Kết quả chụp CT lồng ngực tại Bệnh viện viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM xác định thùy trên phổi phải của bà Ngọc có nốt kích thước 18x13 mm, bờ tua gai, co kéo nhẹ màng phổi, trung thất rải rác vài hạch nhỏ. TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, cùng êkíp hội chẩn tìm phương án xử lý khối u cho bà Ngọc. Các bác sĩ nghi ngờ nốt phổi 90% ác tính, quyết định không sinh thiết lạnh (xét nghiệm nhanh mẫu bệnh phẩm ngay trong lúc phẫu thuật) mà nội soi lồng ngực cắt thùy trên phổi bên phải kèm nạo hạch. Kết quả giải phẫu bệnh sau đó cho thấy u ác tính, tất cả hạch lành tính, chứng tỏ ung thư phổi chưa di căn xa, chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 1B.
Còn anh Tuấn, 33 tuổi, hút thuốc lá 15 năm, khám sức khỏe tổng quát, phim chụp CT phổi phát hiện có nốt mờ. Thầy thuốc ưu tú, BS.CKII Trần Công Quyền, Phó khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay nốt phổi nằm ở vị trí thùy giữa phổi phải, kích thước chưa đến 1 cm, có khả năng ác tính (bờ không đều, tua gai). Bác sĩ phẫu thuật cắt trọn vẹn thùy giữa phổi phải, kết quả giải phẫu bệnh xác định anh Tuấn ung thư phổi giai đoạn 1A.
Theo bác sĩ Quyền, nhờ phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi, cả hai bệnh nhân trên kiểm soát được bệnh ung thư giai đoạn sớm. Ở giai đoạn này, khối u có kích thước chưa tới 2 cm, chỉ ở phổi và chưa di căn đến hạch bạch huyết. Bệnh nhân hồi phục nhanh, cải thiện triệu chứng.
"Người bệnh được chẩn đoán, điều trị sớm, tỷ lệ chữa khỏi ung thư phổi có thể hơn 90%", bác sĩ Dũng nói. Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư phổi tùy thuộc kích thước, vị trí u cũng như mức độ xâm lấn của tế bào ác tính. Khối u lớn, di căn toàn bộ phổi, bác sĩ thường mở lồng ngực để cắt bỏ phổi. Kỹ thuật mổ nội soi được chọn nếu cắt một phần phổi, là phương pháp xâm lấn tối thiểu để loại bỏ ung thư mà không cần mở ngực. Bác sĩ rạch ba đường mổ nhỏ khoảng 0,5-1 cm để đưa camera và dụng cụ mổ vào trong lồng ngực cắt thùy phổi.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể mổ nội soi bằng robot. Bác sĩ Dũng đánh giá đây là phương pháp khắc phục hầu hết nhược điểm của mổ nội soi truyền thống như tổn thương cơ quan lân cận, khó khăn trong thao tác... Nhờ cánh tay robot linh hoạt, khối u lồng ngực gồm u phổi, u trung thất, u tuyến ức được bóc tách trọn vẹn, ít mất máu. "Phương pháp này dần trở thành lựa chọn hàng đầu trong điều trị ung thư phổi, bệnh lý lồng ngực", bác sĩ Dũng nói, thêm rằng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ triển khai trong thời gian tới.
Ung thư phổi thường mất khoảng 1-1,5 năm để tiến triển từ giai đoạn đầu đến các giai đoạn nghiêm trọng. Bệnh khó chẩn đoán sớm vì không có dấu hiệu rõ ràng. Do đó, tầm soát định kỳ rất quan trọng nhằm phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính liều thấp được khuyến nghị cho nam giới trên 55 tuổi, người đang hoặc từng hút thuốc lá, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi, người tiếp xúc với các chất độc hại (amiăng, cadimi, niken, crom, uranium, thạch tín...) trong thời gian dài.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
20h ngày 18/12, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Phẫu thuật lồng ngực ít xâm lấn điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm".
Các bác sĩ tham gia gồm TTND.PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, TTƯT.BS.CKII Trần Công Quyền - Phó khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, ThS.BS.CKII Nguyễn Lê Vinh - Phó khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực... giải đáp thắc mắc trên fanpage của bệnh viện và fanpage VnExpress.
Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.
|