Bác sĩ Bùi Công Sự, Quản lý Y khoa Vùng 3 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết HPV gây ra nhiều bệnh như sùi mào gà và các loại ung thư ở hai giới. Song vẫn còn nhiều người có hiểu lầm về virus này, khiến phụ huynh còn do dự chưa cho trẻ em nam tiêm ngừa. Bác sĩ chỉ ra một số hiểu lầm thường gặp và có giải đáp sau đây:
Nam giới không mắc ung thư do HPV
Theo bác sĩ Sự, virus HPV gây bệnh ở cả hai giới, trong đó các bệnh ở nam giới gồm sùi mào gà, ung thư hậu môn, hầu họng và dương vật. Những người có ít nhất một bạn tình khác giới, khả năng nhiễm HPV trung bình trong suốt cuộc đời là 91% ở nam giới và gần 85% ở nữ giới; và một trong ba nam giới trên 15 tuổi bị nhiễm ít nhất một loại HPV.
Chỉ nữ giới nhiễm HPV
Ngoài gây ra ung thư, HPV còn gây ra bệnh sùi mào gà tại các vị trí trên cơ thể như vùng sinh dục, hậu môn, miệng và mí mắt... Đường lây của sùi mào gà rất đa dạng, có thể qua quan hệ tình dục, hôn, tiếp xúc da kề da, tiếp xúc gián tiếp với vật dụng, đồ dùng sinh hoạt nhiễm virus. Bao cao su chỉ phủ ở dương vật, các vị trí còn lại nếu dính dịch tiết sùi mào gà cũng có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh khi quan hệ, hôn, sử dụng chung đồ cá nhân có chứa dịch tiết người bệnh.
Như mới đây, Việt Nam ghi nhận 2 bé trai 7 (ở Lâm Đồng) và 8 tuổi (ở Bình Dương) mắc sùi mào gà ở vùng hậu môn, điều trị tại một bệnh viện ở TP HCM. Các trường hợp này được các bác sĩ xác định, có thể lây sùi mào gà do tiếp xúc trực tiếp thông qua người chăm sóc bị mụn cóc ở tay như mặc tã, tắm...
HPV sẽ tự đào thải
Đây cũng là quan niệm không đúng. Theo CDC Mỹ và WHO, hầu hết những người nhiễm virus HPV có thể bị hệ miễn dịch đào thải trong vòng 1-2 năm. Tuy nhiên, có khoảng 20% trường hợp không tự đào thải virus, dẫn đến nhiễm trùng dai dẳng, tiến triển thành sùi mào gà và thay đổi cấu trúc tế bào của cổ tử cung, hậu môn hầu họng, dương vật gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm sau nhiều năm. Kháng thể sinh ra sau khi đào thải virus chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, mọi người vẫn có thể tái nhiễm.
Mọi độ tuổi tiêm HPV có hiệu quả tương tự nhau
Theo khuyến cáo của WHO, CDC Mỹ, Bộ Y tế nước ta, vaccine HPV cần tiêm cho cả trẻ em và người lớn từ 9 đến 45 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi tiêm vaccine tốt nhất là từ 9-14 tuổi.
Lý do, tuổi 9-14 có khả năng nhiễm HPV rất thấp, từ đó hiệu lực bảo vệ có thể trên 90%. Trẻ 9-14 tuổi cần hai mũi cách nhau tối thiểu 6 tháng, vì vậy chi phí tiêm sẽ rẻ hơn thay vì 3 mũi nếu tiêm sau tuổi này. Còn người từ 15-45 tuổi tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng, chi phí tiêm sẽ cao hơn.
HPV chỉ tiêm cho bé gái
Bé trai cũng cần phòng ngừa các bệnh do virus HPV gây ra bằng vaccine. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine: Gardasil phòng được 4 type 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm nữ giới 9-26 tuổi; Gardasil 9 phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định tiêm cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi, hiệu quả bảo vệ đến trên 90%.
Lịch tiêm đối với trẻ 9-14 tuổi gồm hai mũi, giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian tài chính thay vì 3 mũi nếu tiêm sau tuổi này.
Bên cạnh tiêm vaccine, trẻ cần ăn uống đủ chất, ngủ nghỉ hợp lý để tăng cường sức đề kháng và thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng. Cha mẹ và nhà trường cũng cần giáo dục giới tính cho trẻ theo từng độ tuổi, tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân, nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm HPV cũng như nhiều bệnh về đường tình dục khác. Khi nhiễm bệnh, trẻ cần điều trị sớm theo đúng khuyến cáo của bác sĩ.
Linh San