Những bệnh dễ mắc khi nắng nóng

Nắng nóng kèm mưa tạo điều kiện cho các mầm bệnh thủy đậu, tay chân miệng và trung gian truyền sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... phát triển, lây cho nhiều người.


Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa Vùng 1 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên khi thời tiết chuyển mùa hè trên cả nước, xuất hiện những cơn mưa lớn, xen kẽ là những đợt nắng nóng trên diện rộng. Thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, sinh vật trung gian truyền bệnh phát triển sinh sôi, dễ gây các bệnh dưới đây:


Sốt xuất huyết


Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Theo bác sĩ Ngọc, nắng nóng kết hợp mưa là điều kiện thích hợp cho muỗi vằn sinh sản nhiều hơn, trứng thuận lợi nở ra lăng quăng. Chúng thích sống gần người, chích ở vị trí khó phát hiện.


Muỗi chích người bệnh sau đó chích người lành, tạo điều kiện cho virus Dengue xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, phát ban... Ở giai đoạn hạ sốt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh có thể trở nặng, gặp các biến chứng như giảm tiểu cầu, cô đặc máu, sốc mất máu, tràn dịch màng phổi, xuất huyết não, suy gan, suy thận, suy đa tạng...


Thủy đậu


Thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra, dễ lây qua đường hô hấp khi hít phải các giọt bắn từ người bệnh hoặc tiếp xúc với các bóng nước bị vỡ, các vật dụng chứa virus. Tại Việt Nam, cao điểm thủy đậu thường vào từ tháng 3 đến tháng 5. Lý do, giai đoạn này mưa nắng thất thường, độ ẩm tăng cao là điều kiện lý tưởng cho virus thủy đậu lây lan, bùng phát mạnh trong cộng đồng.


Thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 10-20 ngày, sau đó sẽ khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ sổ mũi, nôn ói, đau họng, nổi ban... Bệnh thường khỏi trong 7-10 ngày, tuy nhiên có thể biến chứng khi không được chăm sóc đúng. Các biến chứng thường gặp gồm nhiễm trùng da tiến triển nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não, viêm não.


Viêm não Nhật Bản


Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản là các loài chim hoang dã, heo, bò, ngựa... truyền bệnh cho người thông qua vết muỗi đốt. Ở Việt Nam, muỗi Culex sinh sản mạnh vào mùa hè, vì vậy, cao điểm bệnh rơi vào tháng 5-8. Bệnh diễn tiến nhanh chóng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Di chứng thần kinh hoặc tâm thần vĩnh viễn có thể xảy ra ở 30-50% người bệnh như liệt, rối loạn ngôn ngữ, động kinh, suy giảm trí nhớ...


Tay chân miệng


Tháng 4-6 được xem là đỉnh dịch bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra các triệu chứng sốt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối... Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi.


Bác sĩ Ngọc lưu ý, trẻ bị tay chân miệng có thể gặp các biến chứng như phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não và có thể dẫn tới tử vong. Song vì nắng nóng, các biểu hiện của bệnh dễ làm phụ huynh nhầm lẫn con bị rôm sảy, bị nhiệt, hăm tã, mọc răng... khiến bệnh trở nặng, trẻ nhập viện muộn, việc điều trị trở nên khó khăn.


Ngộ độc thực phẩm


Theo bác sĩ Ngọc, thời tiết nắng nóng dễ làm thực phẩm ôi thiu, nhiễm các loại virus, vi khuẩn như salmonella, escherichia coli, campylobacter, shigella (lỵ trực trùng), listeria, tả, rotavirus, viêm gan A... Một người ăn phải các thực phẩm này dễ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.


Cách phòng ngừa


Để phòng ngừa các bệnh kể trên, theo bác sĩ Ngọc, các gia đình cần giữ vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, lật úp các dụng cụ chứa nước để loại trừ nơi ở của muỗi. Đồ chơi, bề mặt, vật dụng cần thường xuyên lau chùi, khử khuẩn để ngăn vi khuẩn, virus bám vào.


Để phòng sốt xuất huyết, gia đình ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt, mang khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên rửa tay, súc họng. Mọi người nên uống đủ nước, ăn chín uống sôi, ăn đủ chất để tăng cường sức đề kháng, thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng. Khi có các dấu hiệu của bệnh, người dân nên đi khám sớm, không nên chủ quan, tự uống thuốc, điều trị theo mẹo dân gian khiến bệnh nặng hơn.


Các bệnh sốt xuất huyết, thủy đậu, viêm não Nhật Bản đã có vaccine phòng ngừa. Như sốt xuất huyết có vaccine phòng 4 type huyết thanh virus Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bao gồm cả trường hợp tái nhiễm đến hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.


Với thủy đậu, hiện có ba loại vaccine phòng ngừa gồm Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, vaccine Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau một đến ba tháng tùy theo độ tuổi. Hai mũi giúp phòng bệnh lên đến 98%.


Còn viêm não Nhật Bản có 3 loại gồm Jevax (Việt Nam) Jeev (Ấn Độ) và Imojev (Thái Lan). Trong đó, Jevax tiêm từ 12 tháng tuổi, sau 3 mũi cơ bản, trẻ cần tiêm nhắc 1 mũi sau mỗi 3 năm.


Jeev tiêm cho người từ 12 tháng tuổi đến 49 tuổi. Phác đồ hai mũi cơ bản, tiêm nhắc được khuyến cáo dựa trên tình hình dịch tễ và khuyến cáo của mỗi nước.


Imojev tiêm cho người 9 tháng tuổi trở lên. Người từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm hai mũi cách nhau 12 tháng. Người đủ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi.


Nếu lịch tiêm Jevax khó tuân thủ, người dân có thể tham vấn ý kiến bác sĩ để chuyển đổi vaccine có lịch tiêm đơn giản hơn. Ngoài ra, các bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus, viêm gan A, tả, thương hàn cũng đã có vaccine. Trong đó, vaccine rotavirus cần hoàn thành trước 8 tháng tuổi, tả và thương hàn tiêm từ 2 tuổi và người lớn.


Tuấn An









Nhung benh de mac khi nang nong


Nang nong kem mua tao dieu kien cho cac mam benh thuy dau, tay chan mieng va trung gian truyen sot xuat huyet, viem nao Nhat Ban... phat trien, lay cho nhieu nguoi.

Những bệnh dễ mắc khi nắng nóng

Nắng nóng kèm mưa tạo điều kiện cho các mầm bệnh thủy đậu, tay chân miệng và trung gian truyền sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... phát triển, lây cho nhiều người.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá