Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Trên thế giới, số mắc sởi cũng tăng cao, với 10,3 triệu ca mắc năm 2023, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhằm tăng cường các biện pháp phòng dịch sởi, Bộ Y tế đã tiến hành chiến dịch tiêm, mở rộng độ tuổi tiêm vaccine sởi từ 1-10 tuổi.
Đến nay, đã tổ chức tiêm chủng cho 18 tỉnh thành có nguy cơ cao, rất cao dịch sởi. Đến hiện tại, chiến dịch tiêm đạt 98%, oàn bộ số vaccine được viện trợ 1,2 triệu liều đã tiêm hết.
"Tuy nhiên quá trình đánh giá, số ca mắc nằm ngoài độ tuổi tiêm chủng từ 9-19 tháng tuổi và 1-10 tuổi rất cao, với khoảng 27,2% số ca mắc sởi là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Vì thế, sau khi đánh giá toàn diện cùng các chuyên gia, xin ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế lên kế hoạch mở rộng tuổi tiêm ngừa vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến trước 9 tháng tuổi. TPHCM là địa phương đầu tiên đã thực hiện tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, và có 29 xin bổ sung trong chiến dịch này" ông Đức cho biết.
Theo đó, sẽ có 260.000 liều vaccine bổ sung được tài trợ tiêm cho trẻ từ 6 đến trước 9 tháng tuổi sẽ được phân bổ cho các tỉnh.
Ông Đức cho biết các nghiên cứu cho thấy vaccine sởi đơn có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường.
Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
"Việc thực hiện tiêm cho nhóm trẻ từ 6 đến trước 9 tháng tuổi chỉ thực hiện trong chiến dịch khi có số mắc cao, không thực hiện cho tiêm chủng mở rộng bắt buộc," ông Đức cho biết.
Thời điểm giao mùa không chỉ khiến số ca mắc sởi gia tăng mà còn phản ánh nguy cơ bùng phát của nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác. Các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân nên chủ động chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Ngoài ra, khi phát hiện các triệu chứng bất thường như: sốt cao, phát ban, ho hoặc khó thở, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.