Người Việt dễ dàng mua thuốc lá vì giá quá rẻ

So với các quốc gia trong khu vực, giá bán lẻ một bao thuốc lá ở Việt Nam chưa tới 1 USD nên việc chi tiền mua dễ dàng, tỷ lệ hút cao.


Theo Giáo sư Nguyễn Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam sau hơn 10 năm triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đang giảm dần, tuy nhiên tốc độ giảm chỉ khoảng 0,5%/năm. Những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ sử dụng thuốc lá còn cao là do thuế thuốc lá còn rất thấp, giá rẻ, khả năng tiếp cận với các sản phẩm rất dễ dàng.


Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng lộ trình tăng thuế cao đối với thuốc lá để bảo đảm đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).


Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá thuốc bán lẻ ở Việt Nam chiếm 38,8% - thấp hơn so với khuyến cáo của WHO là 70-75%. Bên cạnh đó, thuốc lá bán khắp nơi, tiếp cận dễ dàng nên việc phòng chống tác hại thuốc lá càng khó khăn.


Theo WHO, khi giá thuốc lá tăng trung bình 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao; 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.


Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết thêm trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với các thách thức về sức khỏe do thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ quan trọng nhằm kiểm soát tỷ lệ sử dụng mặt hàng này. Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đóng vai trò trong việc kiềm chế tỷ lệ tiêu dùng mà còn tạo ra một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.


Để đảm bảo hiệu quả của chính sách trên, Tiến sĩ Minh cho rằng chúng ta cần có sự đánh giá và phân tích toàn diện về tác động vi mô của thuế đối với người tiêu dùng và các nhóm dân cư khác nhau.


Theo khuyến nghị từ WHO, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ thuế thuốc lá, bổ sung mức thuế tuyệt đối ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Mức tăng thuế này cần thiết để giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt là với giới trẻ - đối tượng nhạy cảm nhất với thay đổi giá cả.


Tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam còn cao.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN do Bộ Y tế tổ chức mới đây, bà Bungon Rithiphaqkdee (Cố vấn cao cấp Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á - SEATCA) cho rằng nhiều năm qua, Việt Nam chưa tăng thuế thuốc lá. Tăng thuế thuốc lá mang lại nhiều “thắng” hơn là mất.


Thứ nhất, tăng thu cho ngân sách


WHO và Ngân hàng Thế giới đều khẳng định đánh thuế giúp giảm tiêu thụ thuốc lá, tăng nguồn thu từ thuế. Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu từ thuế thuốc lá để phục vụ các quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.


Thứ hai, giảm tỷ lệ người hút


Tại Điều 6 trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá có các hướng dẫn về triển khai chính sách thuế. Thông điệp là thuốc lá và sản phẩm từ thuốc lá phải bán ở mức cao để người dân không có tiền mua, giảm tiêu thụ, thế hệ trẻ được bảo vệ trước thuốc lá.


"Tại việt Nam, 1 bát phở giá 35.000 đồng, tương đương 2 bao thuốc lá. Giá thuốc lá rẻ nên ai cũng mua được và người dân sẽ tiết kiệm tiền ăn bát phở để mua 2-3 bao thuốc lá", bà Bungon nói.


SEATCA tiến hành khảo sát ở các quốc gia về giá thuốc lá như thế nào để người dân không dám mua, bà Bungon cho rằng ở Việt Nam cần bán ở mức hơn 3 USD (hơn 70.000 đồng/bao). Philippines đề xuất tăng lên 10 USD/bao, Indonesia đề xuất 5 USD.


Theo bà Bungon, Philippines là một ví dụ thành công về tăng thuế thuốc lá mà Việt Nam có thể học hỏi. Từ năm 2013, quốc gia này đã tăng thuế thuốc lá một cách đều đặn và tái đầu tư nguồn thu vào các chương trình y tế công cộng. Kết quả, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 27% xuống 19,5% sau vài năm, đồng thời doanh thu từ thuế tăng mạnh, đạt 2,9 tỷ USD vào năm 2022. Điều này cho thấy tăng thuế không phải là "đòn đánh" đơn lẻ mà cần lộ trình rõ ràng và sự tái đầu tư hợp lý vào các chương trình chăm sóc sức khỏe và phòng chống tác hại thuốc lá.


Hiện tại, Việt Nam tiêu thụ 6,24 triệu bao (dân số 100 triệu người) thu được 716 triệu USD/năm.


Thứ ba, giảm sự mất mát lớn do thuốc lá


Các vấn đề như số người chết do bệnh lý liên quan thuốc lá, mất tiền do người dân tử vong sớm (108.000 tỷ đồng), dành quá nhiều tiền cho mua thuốc lá (49.000 tỷ đồng)…. hoàn toàn có thể giảm bớt khi chính sách thuế đủ mạnh.


Bà Bungon khuyến cáo chính sách tăng thuế thuốc lá càng triển khai nhanh càng tốt, không nên trì hoãn.


Đề xuất tăng thuế thuốc lá để giảm số người tử vong mỗi nămMỗi năm, Việt Nam có hơn 40.000 người tử vong liên quan tới thuốc lá, các chuyên gia cho rằng không nên trì hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này để giảm tỷ lệ hút.
Giá thuốc lá quá rẻ, Bộ Y tế đề xuất phương án tăng thuế lên 15.000 đồngTheo Bộ Y tế, chi tiêu cho thuốc lá, khám và điều trị bệnh liên quan đến sản phẩm này là 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP năm 2022.