Ngày 15/4, đại diện Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp hóc dị vật đường thở nguy hiểm.
Bệnh nhân là bà H.T.N. (85 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM). Khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân kể sau khi ăn xoài, cụ bà xuất hiện triệu chứng khó thở và được đưa đến một bệnh viện trên địa bàn.

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ban đầu, thực hiện thủ thuật Heimlich (phương pháp dùng tay của người cứu hộ tạo ra áp lực mạnh trong đường hô hấp) để tống dị vật, nhưng không thành công. Bệnh nhân được bóp bóng qua mặt nạ và chuyển đến tuyến trên.
Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất, cụ bà trong tình trạng lơ mơ, khó thở nguy kịch, đe dọa đến tính mạng. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ cấp cứu đã nhanh chóng đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhân lên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU).
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản và phát hiện một miếng xoài nằm ở phế quản gốc bên trái, trước khi lấy dị vật ra. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đang thở oxy mũi và dự kiến có thể xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Bác sĩ Phan Châu Quyền, Phó Trưởng khoa ICU của Bệnh viện Thống Nhất, khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người suy giảm ý thức hoặc có rối loạn chức năng nuốt rất dễ bị hóc dị vật đường thở.

Cha mẹ không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với các vật thể nhỏ dễ gây hóc; tránh cho trẻ ngậm đồ chơi, đưa vật lạ vào mũi hoặc miệng. Khi ăn uống, người dân nên nhai kỹ, không cười đùa để hạn chế nguy cơ dị vật rơi vào đường thở.
"Hóc dị vật cần được sơ cứu khẩn cấp vì gây nhiều biến chứng nghiêm trọng ở đường hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong. Phương pháp điều trị và theo dõi sự cố này khác nhau, tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, vật chất người bệnh hít phải và nguyên nhân bệnh lý dẫn đến hóc dị vật đường thở.
Khi xảy ra tình trạng hóc dị vật, người bệnh phải được sơ cấp cứu đúng cách và gọi cấp cứu ngay để được hỗ trợ", bác sĩ Quyền nói.
Nam thanh niên phải mổ 3 lần sau chấn thương khi chơi bóng đá
Ngày 15/4, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước (ACL) lần thứ ba cho một bệnh nhân trẻ tuổi.
Bệnh nhân là một nam thanh niên 27 tuổi (ngụ tỉnh Bình Dương), nhập viện với tình trạng đau khớp gối trái, cảm giác khớp gối lỏng lẻo và thường xuyên bị khụy gối khi vận động. Bệnh nhân có tiền sử 2 lần phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước đó, do chấn thương trong quá trình chơi bóng đá.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hoàng Văn Hải, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết, qua thăm khám lâm sàng và chụp MRI, ekip điều trị xác định bệnh nhân bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước.
Trong lần phẫu thuật lần này, các bác sĩ đã lựa chọn phương pháp tái tạo bằng gân chân ngỗng (hamstring) kết hợp kỹ thuật All-Inside (tất cả bên trong) để tăng kích thước mảnh ghép.
Ca phẫu thuật kéo dài 90 phút diễn ra thuận lợi. Ekip phẫu thuật đã xử lý triệt để phần dây chằng cũ và đường hầm xương cũ, đồng thời tái tạo mới nhằm tối ưu hóa khả năng liền gân và xương.

Sau 6 tuần theo dõi, bệnh nhân đã có thể đi lại bình thường, không còn tình trạng khập khiễng, các kiểm tra độ vững của khớp gối đều cho kết quả tốt.
Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên tránh các môn thể thao đối kháng, thay vào đó có thể tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ hoặc đạp xe.
Các bác sĩ chia sẻ, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng sau khi bị đứt tái phát luôn là thử thách lớn đối với phẫu thuật viên và cũng là nỗi ám ảnh cho bệnh nhân. Dù phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể trở lại mạnh mẽ hơn nếu kiên trì tập luyện và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị.