Trả lời:
Điện cực ốc tai gồm có hai bộ phận chính gồm một phần nằm phía sau tai được xem như bộ thu tín hiệu âm thanh, phần còn lại là bộ thu được cấy phía trong tai, có nhiệm vụ nhận tín hiệu do bộ phận bên ngoài gửi về. Các tín hiệu này kích thích dây thần kinh thính giác và truyền đến não để phân tích thành âm thanh, từ đó người bệnh có thể nghe được.
Cấy điện cực ốc tai là phương pháp cấy thiết bị điện tử vào ốc tai, kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác bằng dòng điện. Phương pháp này được chỉ định trong một số trường hợp gồm trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên; điếc sâu (hơn 90 dB) ở cả hai tai, trước hoặc sau khi biết ngôn ngữ; sử dụng máy trợ thính nhưng không có hiệu quả hoặc hiệu quả kém. Người được cấy ốc tai phải có tình trạng não và dây thần kinh số 8 bình thường, cấu trúc ốc tai không dị dạng nặng, không bị vôi hóa toàn bộ.
Phẫu thuật cấy điện cực ốc tai chống chỉ định với người bị viêm tai giữa đang tiến triển, chậm phát triển tâm thần, bệnh nền nặng như tim mạch, suy thận nặng, rối loạn đông máu... Người bị điếc do thương tổn đường truyền dẫn thần kinh thính giác trong não cũng không được chỉ định phẫu thuật cấy điện cực ốc tai.
Trẻ em được cấy điện cực ốc tai sớm, khả năng tiếp xúc với âm thanh sớm có lợi cho giai đoạn phát triển ngôn ngữ. Người lớn tuổi như mẹ bạn, bị mất thính lực nặng, nhiều năm vẫn có thể cấy ốc tai để hỗ trợ cải thiện khả năng nghe và giao tiếp. Bạn nên đưa mẹ đến bác sĩ đánh giá mức độ mất thính lực, khả năng tiếp nhận âm thanh của dây thần kinh thính giác và tình trạng sức khỏe tổng quát.
Sau cấy điện cực ốc tai, người bệnh phải kiên trì tập luyện nghe và nói để đạt kết quả tốt nhất. Nhiều người lớn tuổi sau khi cấy ốc tai đã có thể nghe được và trò chuyện.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |