Nghệ thuật lăng xê trận đấu quyền Anh

Những trận quyền Anh biểu diễn ngày càng phổ biến, dần thu hút người xem hơn cả các cuộc tranh đai, nhờ nghệ thuật quảng bá của nhà tổ chức.


Chỉ sau vài hiệp đầu tiên của trận đấu giữa huyền thoại Mike Tyson và YouTuber Jake Paul tối 15/11, tay đấm 58 tuổi bắt đầu kiệt sức, đứng không vững và chủ yếu dùng tay phòng thủ. Còn võ sĩ 27 tuổi cũng không muốn ra đòn knock-out vì tôn trọng huyền thoại. Khán đài vì thế xuất hiện nhiều tiếng huýt sáo, la ó để phản đối.


Thực tế, nhiều người đã lường trước trận đánh sẽ diễn ra theo kịch bản như vậy, nhưng họ vẫn chi rất nhiều tiền để xem. Theo kênh CNBC, trận đấu trên sân AT&T ở thành phố Arlington, bang Texas, Mỹ thu về hơn 18 triệu USD tiền bán vé cho khoảng 70.000 khán giả. Bên cạnh đó, trên nền tảng Netflix - vốn có 283 triệu người dùng trên thế giới, có thời điểm 65 triệu người xem đồng thời trận này.


Trên mạng xã hội, nhiều người xem tỏ ra chán nản về chất lượng trận đánh. "Paul vừa tạo ra một màn trình diễn bậc thầy ở khả năng lừa đảo các nhà đài và khán giả, để họ xem anh tập thể dục 16 phút", tài khoản spencerr13 bình luận trên Reddit, nhận được hàng trăm lượt ủng hộ.


Jake Paul 27 tuổi, cùng anh trai Logan sản xuất nhiều video cá nhân từ gần 20 năm trước. Các video của Paul đạt 2 tỷ lượt trên Vine cho đến năm 2014. Kênh Youtube của anh hiện đạt hơn 20 triệu lượt theo dõi, và 7,7 tỷ lượt xem. Anh bắt đầu sự nghiệp quyền Anh chuyên nghiệp năm 2022, gặp YouTuber người Anh AnEsonGib, và trận đấu được Tổ chức Boxing Thế giới (WBO) cấp phép.


Các trận đánh của Paul đến nay thu về hơn 152 triệu USD doanh thu chỉ từ bán vé xem qua truyền hình, chưa kể các nguồn thu khác như bán vé tại cổng hay bản quyền truyền hình. Năm 2022, anh thành lập công ty Most Valuable Promotions (MVP), chuyên tổ chức quyền Anh, để thu về phần trăm lợi nhuận cao hơn từ các trận đấu của bản thân.


Khoảng 10 năm trước, nhiều người dự báo quyền Anh có dấu hiệu suy yếu, trước sự vươn lên của võ thuật tự do MMA với hệ thống Ultimate Fighting Championship (UFC). Trận đấu quyền Anh có doanh thu lớn nhất mọi thời, diễn ra giữa Floyd Mayweather và Manny Pacquiao năm 2015, đem về hơn 600 triệu USD, theo tạp chí Forbes. Trận đấu này được coi là đỉnh cao của quyền Anh tranh đai.


Mayweather 47 tuổi, là võ sĩ kiếm nhiều tiền nhất từ các trận quyền Anh mọi thời, lên tới 1,2 tỷ USD, theo Marca. Năm 2007, anh cũng lập công ty riêng để tổ chức các trận đánh của bản thân, với những trận gặp Oscar De La Hoya hay Canelo Alvarez đều thu về hơn 200 triệu USD doanh thu.


Cho đến trận Mayweather - Pacquiao, quyền Anh chủ yếu thu hút ở các trận tranh đai. Nhưng kể từ khi Mayweather đấu với nhà vô địch UFC Conor McGregor năm 2017 và đem về hơn 600 triệu USD doanh thu, quyền Anh biểu diễn bắt đầu bùng nổ.


Những người nổi tiếng trên mạng xã hội như Jake Paul, Logan Paul, Tommy Fury hay KSI bắt đầu lấn vào võ đài. Doanh thu từ những trận đánh của họ không thua kém gì những màn tranh đai của Tyson Fury, Anthony Joshua, Oleksandr Usyk hay Daniel Dubois.


Vì sao quyền Anh biểu diễn có sức hút ngang ngửa trận tranh đai? Trước hết, quyền Anh yêu thích ở những nước phát triển như Anh, Mỹ hay Australia, vì thế các khán giả sẵn sàng bỏ hàng chục triệu USD để xem những trận đánh họ chờ đợi.


Những người nổi tiếng trên mạng như Jake Paul được biết đến thậm chí còn nhiều hơn nhà vô địch quyền Anh như Anthony Joshua. Trên Instagram, Paul đang có hơn 29 triệu lượt theo dõi, so với 18 triệu lượt của Joshua. Tommy Fury với 5 triệu lượt theo dõi, cũng không kém nhiều so với anh trai và cũng là cựu vô địch Tyson Fury, với 7 triệu lượt theo dõi.


Khán giả bỏ tiền xem các trận giữa người nổi tiếng không phải vì chuyên môn, mà vì xu hướng, những tranh cãi và cá tính của những người này trên võ đài. Cơ bản, các trận này mang tính giải trí hơn chuyên môn.


Với nhiều người xem, thể thao cũng là một hình thức giải trí, còn chuyên môn có thể không phải yếu tố quyết định. Chẳng hạn cờ vua có một giải đấu gọi là Pogchamps, diễn ra giữa các streamer nổi tiếng từ những game hoặc môn thể thao khác. Những streamer dự giải này thường có hệ số trực tuyến từ 1.200 đến 1.500, tức là kém xa so với trình độ các Đại kiện tướng, khoảng 2.700 trở lên. Dù vậy, Pogchamps có lúc thu hút hơn 160.000 người xem đồng thời trên Twitch, thông số chỉ thua vài giải chuyên môn hàng đầu như chung kết thế giới, Candidates hay Speed Chess Championship.


Bóng đá cũng tồn tại giải biểu diễn như Soccer Aid, diễn ra thường niên giữa Anh và phần còn lại của thế giới. Đội hình hai đội gồm cựu cầu thủ lẫn người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác như ca sĩ Olly Murs, Robbie Williams, đầu bếp Gordon Ramsay hay VĐV điền kinh Usain Bolt và Mo Farah. Các trận đấu thường diễn ra trên sân Wembley, với hơn 70.000 khán giả trả tiền vào xem và ngồi gần kín sân.


Yếu tố người có ảnh hưởng và mạng xã hội đang ngày càng tác động mạnh tới thể thao. Cựu vô địch quyền Anh, Duke McKenzie cho rằng mạng xã hội chính là yếu tố quan trọng nhất giúp các trận đánh của Paul thu hút người xem.


"Những trận như Tyson - Paul sẽ không bao giờ được cấp phép ở thời chưa có mạng xã hội", McKenzie nói với Al Jazeera. "Sức quyến rũ của tiền bạc đã khiến quyền Anh thay đổi theo cách không thể cứu vãn nổi. Chỉ khi nào những trận đấu như vậy xuất hiện chấn thương nghiêm trọng, sức hút của quyền Anh biểu diễn mới phai nhạt".


Các nhà tổ chức quyền Anh lăng xê trận đánh thế nào? Tận dụng ảnh hưởng của người nổi tiếng và mạng xã hội là công việc quan trọng của những nhà tổ chức như MVP hay Mayweather Promotions.


Mayweather và các cộng sự có thể coi là bậc thầy lăng xê quyền Anh. Thời đỉnh cao, anh thường bước vào võ đài cùng những người nổi tiếng của lĩnh vực khác, trong đó có ca sĩ Justin Bieber. Ca sĩ người Canada từng là hiện tượng âm nhạc khoảng đầu những năm 2010, được nhiều khán giả trẻ hâm mộ thời kỳ đầu mạng xã hội bùng nổ.


Những người nổi tiếng của nhiều lĩnh vực xuất hiện cùng nhau thường đem lại yếu tố cộng hưởng, khiến cuộc chơi càng thêm sức hút. Chẳng hạn ở trận gặp Pacquiao hay Miguel Cotto, Mayweather còn đem theo võ sĩ đấu vật biểu diễn WWE, Triple H.


Những người nổi tiếng "đánh nhau" cũng sẽ kích thích sự tò mò của người xem. Chẳng hạn Logan Paul và KSI đều là những YouTuber có hàng chục triệu lượt theo dõi, so kè nhau trên mạng xã hội, và trận đánh giữa họ tại Manchester năm 2018 thu hút hơn 2 triệu người xem đồng thời. Vì thế, những nhà tổ chức sẽ có xu hướng chọn những người nổi tiếng, gần như đồng cân đồng lạng, đấu với nhau.


Quá trình lăng xê trận đấu, kể từ khi chốt hợp đồng cũng quan trọng. Trước các trận đánh giữa Logan Paul và KSI, hai bên đều tung ra những MV nhạc rap để "diss", tức là lăng mạ và chửi nhau, thu hút tổng cộng hàng trăm triệu lượt xem. Quá trình này kích thích sự tò mò của khán giả, lôi kéo thêm nhiều người xem.


Trước trận đánh giữa Logan Paul và Mayweather trên sân Hard Rock ở bang Florida năm 2021, hai tay đấm cũng nhiều lần khích bác nhau trên mạng xã hội. Trong một sự kiện báo chí trước trận, Mayweather và Logan Paul đối đầu nhau, đúng lúc Jake Paul xuất hiện để lấy chiếc mũ mà võ sĩ bất bại đang đội và chạy đi. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của truyền thông đa phương tiện.


Trong buổi họp báo trước trận tối 15/11 năm nay, Tyson cũng tát Jake Paul. Không rõ huyền thoại 58 tuổi cố tình làm vậy hay đó là kịch bản của nhà tổ chức, nhưng hành động này đủ để tăng thêm sức nóng cho cuộc chiến.


Những nhà tổ chức cũng thường xây dựng hình ảnh hai võ sĩ chuẩn bị lên đài theo phong cách đối lập, kiểu "người tốt" gặp "người xấu". Chẳng hạn Mike Tyson có hình ảnh tốt đẹp của một tay đấm huyền thoại, biểu tượng của quyền Anh chuyên nghiệp. Còn Jake Paul được xây dựng như một thanh niên "trẻ trâu", "kẻ tay ngang" hay "tham tiền". Tay đấm 27 tuổi cũng từng nói anh đấu với Tyson chỉ vì tiền.


Các nhà tổ chức cũng không ngần ngại chi tiền quảng bá trận đấu theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như trước trận Mayweather - McGregor tại Las Vegas năm 2017, hai võ sĩ cùng đội ngũ tới nhiều thành phố lớn như Los Angeles, Toronto, New York và London để họp báo hoặc tổ chức sự kiện, với nhiều lời xúc phạm nhau.


Những chuyến đi như vậy gọi là "press tour" (tour báo chí), thường xuất hiện trong điện ảnh, khi các diễn viên nổi tiếng quảng bá cho bom tấn sắp công chiếu. Với quyền Anh, press tour còn có nghĩa như "cuộc chiến trước một cuộc chiến".


Xuân Bình tổng hợp









Nghe thuat lang xe tran dau quyen Anh


Nhung tran quyen Anh bieu dien ngay cang pho bien, dan thu hut nguoi xem hon ca cac cuoc tranh dai, nho nghe thuat quang ba cua nha to chuc.

Nghệ thuật lăng xê trận đấu quyền Anh

Những trận quyền Anh biểu diễn ngày càng phổ biến, dần thu hút người xem hơn cả các cuộc tranh đai, nhờ nghệ thuật quảng bá của nhà tổ chức.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá