Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 30 bị can trong vụ án Thuận An.
Trong đó, bị can Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị can Nguyễn Duy Hưng. Ảnh: Bộ Công an
Nguyễn Duy Hưng bị cáo buộc “chủ mưu, cầm đầu” trong hành vi vi phạm đấu thầu, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 120 tỷ đồng tại 5 dự án xây dựng. Nhờ đó, hưởng lợi bất chính hơn 98 tỷ đồng.
Hành vi sai phạm của Tập đoàn Thuận An và nhóm bị can diễn ra tại nhiều tỉnh thành, bộ ngành, bao gồm: Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Nội và Bộ GTVT (nay là Bộ Xây Dựng)
Những "mối quen" đưa Thuận An tiếp cận dự án nghìn tỷ
Theo kết luận điều tra, ông chủ Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Văn Huy (ở Tuyên Quang) có mối quan hệ quen biết trước đó và cả hai cùng biết Trần Viết Cương (thời điểm đó là Phó Giám đốc Ban QLDA tỉnh Tuyên Quang).
Tháng 5/2021, khi biết Ban QLDA Tuyên Quang sắp mời thầu gói thầu số 26 (giai đoạn 2 của dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ), ông Huy chủ động đề nghị với Hưng đưa Tập đoàn Thuận An vào tham gia.
Ông Hưng đã đến gặp Trần Viết Cương đề xuất nâng giá dự toán vì cho rằng giá quá thấp song bị từ chối. Ông Cương cũng liên lạc và giới thiệu Công ty Hiệp Phú và Công ty Thành Hưng, để liên danh với Tập đoàn Thuận An. Khi Công ty Thành Hưng rút lui, Công ty Licogi 14 được đưa vào thay thế.
Sau buổi làm việc, Trần Viết Cương chỉ đạo cấp dưới sao chép và gửi toàn bộ dự toán chi tiết của gói thầu cho Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên danh. Trên cơ sở bản dự toán này, Thuận An tiến hành phân tích và lập hồ sơ dự thầu với vai trò nhà thầu chính.
Để đảm bảo số lượng tối thiểu ba nhà thầu theo quy định, hai “quân xanh” là Công ty Tự Lập và Công ty 68 được đưa vào. Các hồ sơ thầu của “quân xanh” này được lập giả bởi chính nhân viên của Tập đoàn Thuận An, từ nội dung thuyết minh, tài chính, nhân sự đến dự toán.
Tháng 9/2023, Ban QLDA Tuyên Quang phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu số 26. Đến ngày 15/9, 3 doanh nghiệp ký thỏa thuận liên danh, phân chia tỷ lệ thực hiện công việc. Giá dự thầu được thống nhất là hơn 90 tỷ đồng.
4 ngày sau khi nộp hồ sơ, Ban QLDA Tuyên Quang đã mời liên danh đến thương thảo và phê duyệt trúng thầu ngay hôm sau (ngày 6/10/2023), đúng bằng giá dự thầu thống nhất trước đó.
Cũng từ mối quan hệ thân thiết từ trước, ở dự án quốc lộ 14E (Gói thầu XD01, 02), Nguyễn Duy Hưng đã đề nghị Nguyễn Quang Huy (thời điểm đó là Giám đốc Ban QLDA 4, Cục Đường bộ Việt Nam) cho tập đoàn tham gia đấu thầu, triển khai.
Hai người thống nhất, Tập đoàn Thuận An chi tiền "cơ chế" cho Ban QLDA 4, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam và Hưng sẽ đưa cho Huy làm đầu mối.
Đến khoảng tháng 8/2022, sau khi có phân chia gói thầu, Hưng và Huy thống nhất Tập đoàn Thuận An tham gia thi công 2/3 gói thầu, gói thầu còn lại do Cục Đường bộ Việt Nam và Ban QLDA 4 tổ chức đấu thầu theo quy định.
Lời "rỉ tai" của ông Phạm Thái Hà
Liên quan đến vụ án trên, bị can Phạm Thái Hà, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Theo lời khai của bị can Phạm Thái Hà, ông Hà có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An từ khoảng năm 2013.
Ông Phạm Thái Hà và Nguyễn Duy Hưng có mối quan hệ thân thiết từ khoảng năm 2013. Ảnh: Bộ Công an
Thời điểm giữa năm 2020, ông Nguyễn Duy Hưng nhờ ông Phạm Thái Hà (lúc đó đang là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội) giới thiệu đến ông Phạm Hoàng Tuấn - Giám đốc Ban QLDA Hà Nội để Thuận An tham gia thi công một phần dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Ông Hà đã mời ông Tuấn và Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban QLDA Hà Nội) ăn cơm và giới thiệu Tập đoàn Thuận An chuyên thi công cầu đường, có năng lực. Ông Hà cũng đề nghị ông Tuấn xem xét tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An khi có công việc.
Từ đây, ông Hưng chủ động đến phòng làm việc của ông Tuấn đề nghị được quan tâm, sắp xếp cho Thuận An tham gia thực hiện một phần công việc trong dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 và ông Tuấn nói: “để nghiên cứu”.
Tại buổi ăn sáng ở nhà cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Tuấn báo cáo tình hình triển khai các gói thầu giao thông, trong đó có dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Tại đây, ông Phạm Hoàng Tuấn gặp Chủ tịch Tập đoàn Thuận An nên hiểu rằng, ông Hưng là người có mối quan hệ thân thiết với cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội và quan hệ thân thiết với ông Phạm Thái Hà.
Sau đó, khi ông Nguyễn Duy Hưng đến phòng làm việc của ông Tuấn, đề nghị giúp Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công cầu Vĩnh Tuy 2 thì ông Tuấn gật đầu đồng ý và nói sẽ chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp của ông Hưng trúng thầu.
Được tạo điều kiện, liên danh của Thuận An trúng thầu gói thầu thi công cầu Vĩnh Tuy 2.
Sau trúng thầu, Chủ tịch Thuận An thống nhất với cấp dưới sẽ chi tiền ngoài hợp đồng cho cán bộ BQL dự án để được tạo điều kiện nhanh chóng nghiệm thu, thanh toán. Cụ thể, chi cho Giám đốc ban quản lý dự án 2 tỷ đồng (1% giá trị trúng thầu), Phó giám đốc phụ trách 1% số tiền được thanh toán, Phòng giám sát 2% số tiền được thanh toán, tổ tư vấn giám sát 0,5% khối lượng nghiệm thu.
Cầu Đồng Việt trị giá gần 1.500 tỷ đồng nối hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Đây là dự án do Tập đoàn Thuận An liên danh trúng thầu thi công. Ảnh: Bảo Khánh
Cũng từ mối quan hệ thân thiết với ông Phạm Thái Hà, đầu tháng 12/2021, khi biết tỉnh Bắc Giang đang triển khai Dự án cầu Đồng Việt, Nguyễn Duy Hưng đề nghị và được ông Hà đồng ý giới thiệu, tác động đến ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công Dự án Cầu Đồng Việt.
Đến cuối tháng 12/2021, trong buổi ăn cơm, ông Phạm Thái Hà giới thiệu Nguyễn Duy Hưng với Dương Văn Thái, ông Hà nói Tập đoàn Thuận An là "đơn vị có năng lực, nhờ các anh quan tâm, xem xét cho Tập đoàn này tham gia dự án cầu Đồng Việt".
Sau khi được ông Hà giới thiệu, Bí thư Bắc Giang tác động cấp dưới là Nguyễn Văn Thạo - Giám đốc Ban QLDA tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu, là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc ông Thạo và các cá nhân tại Ban QLDA Bắc Giang, đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty A-ETC) và Tập đoàn Thuận An thông đồng, móc ngoặc giúp cho Tập đoàn Thuận An được trúng gói thầu số 07, dự án cầu Đồng Việt.

Những tình tiết giảm nhẹ trong vụ án Tập đoàn Thuận An
Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thể hiện, các bị can trong vụ án Tập đoàn Thuận An thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra; tự nguyện nộp lại tiền khắc phục hậu quả; có nhiều thành tích trong công tác.
Lời khai về việc thực hiện 'luật ngầm' của Chủ tịch Tập đoàn Thuận An
Ở các dự án được trúng thầu, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An đều sẵn sàng chi tiền “cơ chế” với mức hàng tỷ đồng. Đây dường như là “luật ngầm” mà doanh nghiệp phải hiểu và thực hiện.