Lý do Bộ Giáo dục tăng điểm học bạ trong xét tốt nghiệp

Việc tăng tỷ lệ điểm học bạ nhằm đánh giá toàn diện học sinh, giúp giảm áp lực khi những em trung bình cũng có thể tốt nghiệp được, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ ban hành ngày 24/12 có nhiều điểm mới, trong đó trọng số điểm học bạ của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 là 50%, còn lại là điểm thi tốt nghiệp.


Trước đây, kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp.


Thay đổi này trong bối cảnh điểm học bạ khiến dư luận và nhiều chuyên gia nghi ngại, vì cho rằng việc kiểm tra, đánh giá ở các trường và các địa phương là không đồng đều.


Công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025


Trả lời VnExpress chiều 25/12, GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết thay đổi này dựa trên thực tiễn và căn cứ khoa học, với ba lý do cụ thể.


Thứ nhất, tỷ lệ điểm học bạ tăng từ 30 lên 50%, sử dụng cả điểm lớp 10 và 11 thay vì chỉ dùng lớp 12, sẽ giúp đánh giá học sinh toàn diện hơn. Học sinh phải tập trung học ngay từ năm đầu của bậc THPT. Điều này cũng phù hợp với việc đánh giá năng lực của người học theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi muốn đánh giá được thì cần thời gian dài.


Thứ hai, tăng tỷ lệ điểm học bạ sẽ giúp thí sinh giảm áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, những em đạt điểm trung bình cũng có thể tốt nghiệp được.


Cuối cùng, việc này tạo thuận lợi để Bộ xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, từ đó các trường đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào. Với lý do này, ông Chương không cho biết chi tiết hơn.


"Mục tiêu của kỳ thi là dùng kết quả để vừa xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá quá trình dạy và học, vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển theo tinh thần tự chủ", ông Chương nói. "Điều này giúp giảm áp lực, chi phí cho xã hội và tạo công bằng cho thí sinh".


Nói về đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Chương cho biết đề không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.


Theo đó, nhiều câu hỏi đưa ra các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.


Tỷ lệ câu hỏi ở các cấp độ tư duy Biết, Hiểu, Vận dụng là 4:3:3. Theo ông Chương, số câu hỏi Biết và Hiểu chiếm khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp, trong khi tỷ lệ Hiểu và Vận dụng khoảng 60% có tác dụng phân hóa, phục vụ mục đích tuyển sinh.


Một điểm mới nữa là đề thi môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.


Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến diễn ra trong hai ngày 26-27/6. Thí sinh làm bài hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Các đại học được khuyến khích sử dụng điểm thi này để tuyển sinh.


Ông Chương cho biết quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa ban hành sẽ được giữ ổn định trong nhiều năm tới.


Dương Tâm









Ly do Bo Giao duc tang diem hoc ba trong xet tot nghiep


Viec tang ty le diem hoc ba nham danh gia toan dien hoc sinh, giup giam ap luc khi nhung em trung binh cung co the tot nghiep duoc, theo Bo Giao duc va Dao tao.

Lý do Bộ Giáo dục tăng điểm học bạ trong xét tốt nghiệp

Việc tăng tỷ lệ điểm học bạ nhằm đánh giá toàn diện học sinh, giúp giảm áp lực khi những em trung bình cũng có thể tốt nghiệp được, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá