Làm gì khi lên cơn co giật động kinh?

Con gái tôi 14 tuổi, mắc bệnh động kinh. Khi con lên cơn co giật, tôi cần làm gì để đảm bảo an toàn cho con? (Mỹ Nhung, TP HCM)


Trả lời:


Động kinh là một dạng rối loạn hệ thần kinh trung ương, xuất phát từ những bất thường trong não. Các bất thường này kích thích các nhóm tế bào thần kinh của vỏ não, dẫn đến hiện tượng phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát, làm khởi phát cơn co giật.


Tùy vùng vỏ não bị kích thích bởi sóng điện não bất thường mà người bệnh động kinh có thể gặp phải các triệu chứng khác nhau như co giật, cơn vắng ý thức đột ngột, co cứng tay chân, mặt đờ đẫn như người bị lú lẫn, xoay đầu hoặc xoa tay không chủ đích... Con bạn khi khởi phát cơn động kinh dẫn đến co giật cần được hỗ trợ chăm sóc, sơ cứu, tùy tình hình thực tế có thể gọi xe cấp cứu.


Khi bé bị động kinh, bạn nên đặt bé nằm xuống bởi đa số các cơn co giật tự hết và phục hồi từ từ. Nếu bé đang trong tình huống có thể nguy hiểm như gần lòng đường, vật sắc nhọn, nguồn điện hoặc vật nóng cần đưa bé tránh xa để đảm bảo an toàn, tránh tụ tập đông xung quanh bé cho không khí thông thoáng.


Đặt bé nằm nghiêng bên, nới lỏng quần áo, nhất là vùng cổ để đường thở tốt tránh ngạt thở. Không cố gắng ôm ghì chặt bé trong lúc bé co giật, không đè bé nằm xuống, chỉ cần đảm bảo giữ bé an toàn không chấn thương. Đặt một vật mềm như gối dưới đầu bé có thể tránh chấn thương trong lúc co giật.


Quan sát hô hấp của bé, nếu thấy không thở kiểm tra có chất nôn hay nước miếng nhiều gây cản trở hô hấp. Không cần hô hấp nhân tạo, sau cơn co giật bé sẽ tự thở lại bình thường. Người lớn không cố gắng đặt bất cứ vật gì vào miệng của bé trong lúc co giật vì có thể làm gãy răng hoặc chấn thương hàm, không đưa tay hay vắt chanh vào miệng bé.


Ghi nhận thời điểm khởi phát cơn co giật và thời gian kéo dài của cơn co giật, các biểu hiện kèm theo và cung cấp cho bác sĩ. Thông thường các cơn co giật tự hết dưới 5 phút và hồi phục từ từ. Bạn cần theo dõi sát bé đến khi bé tỉnh hoàn toàn. Nếu trên 15 phút bé vẫn chưa tỉnh hoàn toàn hoặc khó thở nên gọi cấp cứu. Những trường hợp khác cần gọi cấp cứu là cơn co giật kéo dài trên 5 phút, hoặc có thêm cơn co giật xuất hiện nhanh chóng sau cơn đầu, bị chấn thương hoặc co giật xảy ra dưới nước...


Lưu ý không cho bé uống bất cứ thức uống nào khi bé chưa tỉnh hoàn toàn. Bạn cần cho con tuân thủ điều trị của bác sĩ, tái khám đúng hẹn để kiểm soát cơn động kinh và theo dõi hiệu quả điều trị. Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc, tránh dùng điện thoại nhiều và không tạo áp lực học tập cho con. Điều trị các bệnh nhiễm trùng nếu có giúp tránh kích ứng não gây co giật.


Có nhiều nguyên nhân gây động kinh như biến chứng của những bệnh gây tổn thương não như viêm não, viêm màng não, u mạch máu não, phình mạch máu não, đột quỵ, u não. Thai phụ bị nhiễm trùng, thiếu hụt dinh dưỡng, uống rượu bia, hút thuốc lá, lạm dụng chất kích thích thần kinh có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh động kinh.


Bệnh động kinh cũng có khả năng xảy ra do đột biến gene hoặc tác dụng phụ của một số thuốc. Người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá, sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích nguy hại khác có nguy cơ cao mắc bệnh này. Một số nguyên nhân khác như hội chứng phổ tự kỷ, rối loạn điện giải, bệnh Alzheimer... Một số người bệnh động kinh không rõ nguyên nhân. Người bệnh nên khám và điều trị tại chuyên khoa Thần kinh, không tự ý dùng thuốc hoặc áp dụng biện pháp thiếu khoa học.


BS.CKI Dương Thị Cẩm Tuyên
Chuyên khoa Thần kinh
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7


Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp







Lam gi khi len con co giat dong kinh?


Con gai toi 14 tuoi, mac benh dong kinh. Khi con len con co giat, toi can lam gi de dam bao an toan cho con? (My Nhung, TP HCM)

Làm gì khi lên cơn co giật động kinh?

Con gái tôi 14 tuổi, mắc bệnh động kinh. Khi con lên cơn co giật, tôi cần làm gì để đảm bảo an toàn cho con? (Mỹ Nhung, TP HCM)
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá