`Khúc bi ca của gã dân quê` - hồi ký Phó Tổng thống Mỹ

Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance kể tuổi thơ bên người mẹ nghiện ngập, vấn đề của người lao động, trong "Khúc bi ca của gã dân quê".


Sách gồm 15 chương, phát hành năm 2016 với tên gốc là Hillbilly Elegy, ra mắt độc giả Việt trong tháng 3. Hồi ký tái hiện những câu chuyện tuổi thơ, gia đình, quá trình trưởng thành của ông Vance.


Cuốn sách truyền cảm hứng về nỗ lực vượt nghịch cảnh. Phó Tổng thống Mỹ viết: "Tôi từng là một đứa trẻ hứa hẹn chẳng có tương lai tươi sáng gì. Tôi suýt bị đuổi khỏi trường trung học, suýt gục ngã trước cơn giận dữ và nỗi oán hận sâu sắc của những người xung quanh. Đó là câu chuyện có thật về cuộc đời tôi, và cũng là lý do tôi viết cuốn sách này. Tôi muốn mọi người hiểu cảm giác khi gần như buông xuôi chính mình và vì sao người ta lại rơi vào hoàn cảnh đó".


J.D.Vance lớn lên tại thành phố Middletown, Ohio, trong gia đình lao động nghèo, có mẹ nghiện ngập. Tại đây, Vance và chị gái luôn phải đối mặt với những "người tình" mẹ đưa về. Vì vậy, ông thường dành thời gian với Mamaw (cách gọi bà của "người hillbilly" - cụm từ vốn ban đầu chỉ dân miền núi, sau đó dùng với nghĩa miệt thị người lao động ở tầng lớp dưới) tại thị trấn Jackson, Kentucky và coi nơi đây là nhà.


Vance viết trong cuốn hồi ký: "Tôi yêu Ohio, nhưng nơi đó chứa đầy ký ức đau buồn. Ở Jackson, tôi là cháu của một người phụ nữ cứng rắn nhất mà ai cũng biết và một người đàn ông sửa ôtô lành nghề; còn ở Ohio, tôi chỉ là đứa trẻ bị bỏ rơi của một người cha mà tôi gần như không quen biết và một người mẹ mà tôi ước gì mình chưa từng biết. Mẹ tôi chỉ đến Kentucky vào dịp họp mặt gia đình hàng năm hoặc khi có tang lễ, và mỗi khi mẹ đến, Mamaw luôn phải chắc chắn mẹ sẽ không mang theo bất kỳ rắc rối nào. Ở Jackson sẽ không có cãi vã, không gây sự, không ai được đánh đập chị gái tôi, và đặc biệt là không được dẫn đàn ông về đây, như Mamaw thường nói. Mamaw ghét những mối tình của mẹ và không bao giờ cho phép bất kỳ ai trong số họ đặt chân đến Kentucky".


Học hết phổ thông, Vance gia nhập quân đội, từng chiến đấu ở Iraq bốn năm và trở về học đại học tại Ohio. Bước ngoặt xuất hiện vào năm 2013, khi ông được nhận vào trường Luật Yale, đại học danh tiếng bậc nhất cùng gói hỗ trợ tài chính. Tại đây, ông gặp gỡ người vợ Usha và bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.


Tuy nhiên, khi đã thành công, Vance nhận ra những tổn thương thời thơ ấu, hoàn cảnh gia đình đã tác động đến con người ông hiện tại. Trong mối quan hệ với vợ, ông thường chọn cách lảng tránh khi có vấn đề: "Khi Usha làm điều gì đó tôi không thích, tôi hét lên với cô ấy - một hành động thật tàn nhẫn - hoặc tôi lặng lẽ rút lui và tránh né. Tôi làm tất cả những điều cay độc mà mẹ tôi từng làm. Rồi chìm trong cảm giác tội lỗi và sợ hãi tột cùng. Suốt bao năm, tôi đã coi mẹ như một nhân vật phản diện. Và giờ đây, tôi lại đang hành động giống hệt như vậy. Không có gì đáng sợ hơn việc nhận ra mình đang trở thành con quái vật trong bóng tối mà mình luôn sợ hãi". Trong quá trình đối diện với quá khứ, ông luôn có vợ đồng hành.


Phó Tổng thống Mỹ nói vợ hội tụ mọi phẩm chất tốt đẹp, như người dẫn đường tinh thần: "Usha dường như thuộc về một thế giới cảm xúc hoàn toàn khác. Tôi không ngừng nghĩ về cô ấy. Một người bạn nói tôi si tình và một người khác bảo chưa bao giờ thấy tôi như vậy".


Xen kẽ chuyện đời của J.D. Vance là những phân tích về xã hội Mỹ nhiều biến động, "giấc mơ Mỹ" với tầng lớp người lao động da trắng, họ phải đối mặt nghiện ngập, bạo lực và nghèo đói. Ông nhìn nhận tính hai mặt của các trợ cấp xã hội, "khiến người ta có thể vừa nhận trợ cấp, vừa xài điện thoại thông minh, hay thói lười biếng, ngại việc khó, khi bị đuổi thì sẵn sàng nổi khùng, đổ lỗi". Vance chỉ ra chính sách đưa người nghèo về một nơi, nhưng cũng tạo ra một vùng dân cư khác biệt, dựa dẫm, thiếu ý chí vươn lên.


Ông Phạm Quang Vinh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nhận định sách gắn liền với thực tiễn chính trị nước Mỹ năm 2016. "Cuốn sách ra đời trước vài tháng một cuộc bầu cử khác biệt và hiện tượng Donald Trump. Sách được cả hai phía chính trị khác nhau của nước Mỹ săn tìm, vì nó đã giúp chỉ ra sự đảo chiều của một bộ phận cử tri lâu nay ít được để ý - sự phản kháng của tầng lớp người da trắng cùng khổ, vật lộn với cuộc sống, công việc, địa vị xã hội, ở vùng Vành đai Rỉ sắt của nước Mỹ", ông viết trong lời tựa sách.


Theo The Guardian, tác phẩm bán hai triệu bản tại Mỹ và được 20 quốc gia mua bản quyền. Cuốn sách được chuyển thể thành phim cùng tên năm 2020, thu hút sự chú ý lớn, gây nhiều tranh cãi về cách khắc họa tầng lớp lao động Mỹ.


J.D. Vance tên thật là James David Vance, 41 tuổi, là Phó Tổng thống đương nhiệm thứ 50 của Mỹ. Trước đó ông từng là nhà đầu tư mạo hiểm, Thượng Nghị sĩ của Ohio từ năm 2023. Ông Vance là Phó Tổng thống trẻ thứ ba trong lịch sử Mỹ và là thành viên đầu tiên thuộc thế hệ Millennial (hay thế hệ Y, chỉ những người sinh năm 1981-1995) giữ chức vụ này.


Châu Anh









'Khuc bi ca cua ga dan que' - hoi ky Pho Tong thong My


Pho Tong thong My J.D. Vance ke tuoi tho ben nguoi me nghien ngap, van de cua nguoi lao dong, trong "Khuc bi ca cua ga dan que".

'Khúc bi ca của gã dân quê' - hồi ký Phó Tổng thống Mỹ

Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance kể tuổi thơ bên người mẹ nghiện ngập, vấn đề của người lao động, trong "Khúc bi ca của gã dân quê".
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá