Ngày 22/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố bản cập nhật Báo cáo Triển vọng Kinh tế. Trong đó, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay từ 3,3% xuống 2,8% - thấp nhất kể từ đầu đại dịch. Nguyên nhân là bất ổn chính sách và căng thẳng thương mại leo thang trên toàn cầu. Năm ngoái, GDP thế giới tăng 3,3%.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều bị hạ dự báo tăng trưởng năm nay. Theo đó, GDP Mỹ được dự báo chỉ tăng 1,8% thấp hơn so với 2,8% năm ngoái. Lạm phát nước này cũng được điều chỉnh tăng đáng kể do chi phí hàng nhập khẩu leo thang.
Với Trung Quốc, IMF hạ dự báo tăng trưởng của nước này xuống còn 4% cho cả năm nay và năm tới. Trong báo cáo hồi tháng 1 của IMF, tốc độ này là 4,6%. Giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5% năm nay.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu 145% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Một số sản phẩm thậm chí chịu thuế 245%. Để đáp trả, Trung Quốc cũng áp thuế 125% với hàng Mỹ, khiến quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như đóng băng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng tình trạng này "không thể duy trì lâu dài".
Tăng trưởng của các nước khu vực đồng euro cũng được dự báo thấp hơn năm ngoái. GDP Đức có thể đứng yên, trong khi GDP Pháp, Italy ước tính tăng dưới 1%. Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - có thể chỉ tăng trưởng 0,6% năm nay, giảm so với ước tính 1,1% trong báo cáo hồi tháng 1 của IMF.
IMF lo ngại thuế nhập khẩu do Mỹ và nhiều nước khác công bố "là cú sốc lớn với tăng trưởng". Bên cạnh đó, sự khó đoán về chính sách cũng ảnh hưởng đến hoạt động và triển vọng kinh tế, khiến họ khó đưa ra các dự báo nhất quán và kịp thời.
Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ thông báo áp thuế nhập khẩu với toàn bộ đối tác thương mại. Mức cơ bản là 10% áp dụng với hầu hết nền kinh tế. Thuế đối ứng ở mức cao, áp dụng với hàng chục nền kinh tế, hiện được hoãn 90 ngày để các nước có cơ hội thương lượng mức thấp hơn.
Một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Ngày 22/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết tốc độ đàm phán diễn ra nhanh chóng. 18 quốc gia đã đưa ra đề xuất và nhóm đàm phán thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp gỡ 34 quốc gia trong tuần này để bàn về thuế. Ông Trump cũng bày tỏ lạc quan rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể "giảm đáng kể" thuế nhập khẩu cho nước này.
Hà Thu (theo Reuters)