BS.CKII Nguyễn Thu Trang, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà Hoa có huyết khối lấp gần như hoàn toàn hệ tĩnh mạch sâu chi dưới phải, huyết khối lan đến tầng chậu đùi. Bà đã biến chứng thuyên tắc phổi - dấu hiệu cho thấy một phần huyết khối đã di chuyển từ chân lên phổi theo dòng máu.
Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch lớn, thường ở chi dưới, gây tắc nghẽn dòng máu trở về tim. Khi dòng chảy bị cản trở, áp lực trong tĩnh mạch tăng cao khiến dịch thấm ra mô mềm, gây sưng nề rõ rệt. "Nếu huyết khối không được xử trí kịp thời có thể khiến bà Hoa suy hô hấp và tử vong", bác sĩ Trang nói, giải thích thêm bà thuộc nhóm nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch sâu do có nhiều bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, suy thượng thận, viêm đa khớp, béo phì (BMI 38,3) khiến khả năng vận động bị hạn chế. Bà bị viêm đa khớp kéo dài góp phần làm tăng nguy cơ đông máu. Ít vận động cũng khiến máu lưu thông chậm, tạo điều kiện hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch.
Với trường hợp tuổi cao và nhiều bệnh nền như bà Hoa, ban đầu bác sĩ ưu tiên điều trị nội khoa bằng thuốc chống đông. Tuy nhiên, sau 5 ngày, chân bà vẫn sưng nhiều, không thể cử động. Để hạn chế nguy cơ biến chứng, êkíp can thiệp bằng phương pháp hút huyết khối kết hợp truyền thuốc tiêu sợi huyết tại chỗ". Phương pháp này thường chỉ được chỉ định trong vòng 14 ngày đầu, khi huyết khối còn ở giai đoạn sớm cấp tính và chưa chuyển sang giai đoạn mạn tính, theo bác sĩ Trang.
Sau 2 giờ can thiệp, dòng máu bắt đầu lưu thông trở lại, sau đó bà Hoa được tiếp tục truyền thuốc tiêu sợi huyết. Bác sĩ Tranh đánh giá toàn bộ đoạn tĩnh mạch bị tắc đã tái thông, chân phải giảm sưng đau đến 90%, không có biến chứng chảy máu, bà Hoa xuất viện sau 24 giờ.
Sau khi ra viện, bà tiếp tục dùng thuốc chống đông, tái khám định kỳ, được bác sĩ điều trị liên chuyên khoa để được quản lý bệnh.
Theo bác sĩ Trang, trường hợp của bà Hoa không hiếm. Nhiều người béo phì, mắc bệnh lý khớp mạn tính như viêm đa khớp thường đến khám vì sưng đau chân và ban đầu đều nghĩ rằng vấn đề xuất phát từ cơ xương khớp. Tuy nhiên, thực tế đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, mỗi người nên duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng, hạn chế chất béo bão hòa, muối và đường, tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu omega-3. Tập thể dục đều đặn, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, tránh ngồi lâu một chỗ để cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ huyết khối.
Người có nguy cơ cao như béo phì, bệnh lý khớp mạn tính hoặc tiền sử huyết khối... cần tầm soát, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Khi có dấu hiệu sưng, đau chân, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Ly Nguyễn
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |