Hình phạt mới `tù chung thân không xét giảm án` được đề xuất với 14 tội

Bộ Công an đề xuất áp dụng mức phạt tù chung thân không xét giảm án vào danh mục các hình phạt với tội phạm, tại 14 tội danh.


Đây là một trong 6 điều mới được đề xuất bổ sung trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.


Theo đó, tù chung thân không xét giảm án được hiểu "là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác". Án phạt này được áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị tuyên tử hình. Thời hiệu thi hành được đề xuất bằng thời hiệu của án tù chung thân và tử hình, tức 20 năm.


Hình phạt tù chung thân không xét giảm án sẽ không áp dụng với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.


>>Xem chi tiết điều luật dự kiến sửa đổi tại đây


Bộ Công an đang đề xuất bổ sung án tù chung thân không xét giảm án cho 14 tội danh. Trong đó 7 tội sẽ dùng hình phạt này là mức án cao nhất, thay cho tử hình, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Gián điệp (Điều 110); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tham ô tài sản (Điều 353) và Nhận hối lộ (Điều 354).


Với người phạm tội Tham ô tài sản hoặc Nhận hối lộ bị phạt tù chung thân không xét giảm án, dự thảo đề xuất nếu trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân (mức án nhẹ hơn liền kề).


7 tội danh dự kiến có khung hình phạt chung thân không xét giảm, song vẫn giữ nguyên án tử hình là hình phạt nặng nhất gồm: Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Bạo loạn (Điều 112); Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Giết người (Điều 123); Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và tội Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).


Thế giới áp dụng án tù không giảm án thế nào?


Theo Penal Reform International (PRI), 65 quốc gia đang áp dụng án tù chung thân không ân xá là hình phạt cao nhất. Các tội danh áp dụng phần lớn đều liên quan giết người, tội phạm tình dục, khủng bố, tra tấn tàn ác, ma túy, phản quốc.


Công ước về Quyền trẻ em (CRC) của Liên Hợp quốc, có hiệu lực từ tháng 9/1990 cấm áp dụng án tù chung thân không ân xá với người dưới 18 tuổi.


Tại Mỹ và phần lớn nước châu Âu, án chung thân được chia 2 loại. Chung thân không xác định là án tù chung thân buộc người phạm tội phải chấp hành án tù ít nhất một thời gian (15, 20 hoặc 25 năm), sau đó mới có quyền làm đơn xin ân xá. Loại còn lại là án chung thân xác định, chính là cách gọi khác của hình phạt chung thân không ân xá.


Ví dụ ở Pháp, tù chung thân là hình phạt cao nhất chỉ áp dụng với tội giết người nghiêm trọng, phản quốc, khủng bố, trùm ma túy và các trọng tội khác dẫn đến tử vong hoặc liên quan đến tra tấn.


Tòa sẽ không công bố ngay ở bản án rằng tù nhân sẽ chịu án chung thân có thời hạn, hay vô thời hạn. Thay vào đó, tù nhân chịu án chung thân sẽ có quyền làm đơn xin ân xá, tạm tha hoặc chuyển sang chế độ bán giam giữ, nếu chấp hành đủ 18 năm, hoặc với các tội đặc biệt nghiêm trọng, là 22 năm.


Trong trường hợp giết trẻ em liên quan đến hiếp dâm hoặc tra tấn, khủng bố dẫn đến tử vong... thời hạn xét ân xá có thể lên tới 30 năm. Sau 30 năm, nếu tù nhân này bị bác đơn xin ân xá, tòa có thể ra quyết định "vĩnh viễn không được giảm án", đồng nghĩa với việc tuyên án tù chung thân không ân xá.


Mức án tối đa với những người dưới 16 tuổi tại thời điểm phạm tội là 20 năm tù, được ân xá sau 10 năm. Án chung thân rất hiếm khi được áp dụng với người từ 16 đến 18 tuổi.


Trong khi đó ở Mỹ, bản án chung thân có thể ân xá, thường được tuyên dưới dạng "25 năm đến chung thân", tức chỉ quy định mức án tù tối thiểu, để ngỏ thời gian ân xá. Đây là bản án "có thể thương lượng", tùy thuộc thái độ chấp hành án của phạm nhân.


Nhà chức trách nước này đánh giá, một số phạm nhân có thể nhanh chóng cho thấy dấu hiệu thực sự cải tạo, trong khi những người khác tỏ ra chống đối, nên khung thời gian mở của bản án chung thân là cần thiết.


Nói cách khác, một bản án chung thân mở giống như một "kế hoạch điều trị" được cá nhân hóa, linh hoạt theo tiến bộ của người phạm tội. Sau thời gian tối thiểu này, việc phạm nhân có được tha hay không sẽ do Hội đồng ân xá xem xét.


Hội đồng ân xá là cơ quan giống như tòa án, độc lập với Bộ Tư pháp, bao gồm những người đủ tiêu chuẩn để đưa ra phán quyết về sự phù hợp của tù nhân để trở về xã hội tự do. Các thành viên có thể là thẩm phán, thẩm phán về hưu, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tội phạm học, nhân viên xã hội, công dân uy tín trong cộng đồng, cựu tù nhân...


Nếu tù nhân được coi là đủ điều kiện, hội đồng ân xá sẽ tiến hành phiên điều trần, phân tích kế hoạch của tù nhân sau khi được thả như: nhà ở, giáo dục, tình trạng việc làm và quan hệ gia đình...


Ở Mỹ, án chung thân không ân xá thường áp dụng với tội phạm bạo lực đặc biệt nghiêm trọng, bất kể có hành vi tốt hay các yếu tố khác. Người đó sẽ chết vì nguyên nhân tự nhiên trong tù thay vì bị tử hình.


Bản án chung thân không ân xá khét tiếng ở Mỹ gần đây được tuyên cho James Holmes - kẻ xả súng trong rạp chiếu phim khiến 12 người chết, năm 2012. Hắn bị kết án 12 bản án chung thân liên tiếp cộng với 3.318 năm tù.


Tại Singapore, án tử hình đang được áp dụng cho hơn 40 tội danh, liền kề là án tù chung thân. Theo Điều 54, Bộ luật Hình sự nước này, tù chung thân "có nghĩa là tù trong suốt cuộc đời tự nhiên của một người".


Sau khi phạm nhân thụ án chung thân 20 năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phải xem xét lại vụ án để đưa ra quyết định miễn giảm. Nếu phạm nhân không đủ điều kiện, định kỳ hai năm một lần, Bộ trưởng vẫn phải xem xét việc ân xá.


Hiện tại, luật pháp Singapore không quy định độ tuổi tối thiểu mà người phạm tội có thể bị kết án tù chung thân. Song Đạo luật Trẻ em và Người trẻ tuổi nước này quy định "trẻ em dưới 14 tuổi sẽ không bị kết án tù vì bất kỳ tội danh nào".


Bộ luật Hình sự hiện nay quy định (tại Điều 32) 8 hình phạt chính với người phạm tội gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân và tử hình.


7 hình phạt bổ sung gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính và trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.


Trong dự thảo lần này, Bộ cũng đề xuất thêm 2 hình phạt bổ sung là cấm nhập cảnh và giám sát điện tử.


Đối với mỗi hành vi phạm tội, bị cáo chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị một hoặc một số hình phạt bổ sung.


Theo điều 31, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.


Hải Thư









Hinh phat moi 'tu chung than khong xet giam an' duoc de xuat voi 14 toi


Bo Cong an de xuat ap dung muc phat tu chung than khong xet giam an vao danh muc cac hinh phat voi toi pham, tai 14 toi danh.

Hình phạt mới 'tù chung thân không xét giảm án' được đề xuất với 14 tội

Bộ Công an đề xuất áp dụng mức phạt tù chung thân không xét giảm án vào danh mục các hình phạt với tội phạm, tại 14 tội danh.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá