Tỷ trọng vốn đưa vào nền kinh tế rất cao
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 chiều 7/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ thông tin về Đề án tinh gọn bộ máy tại NHNN theo tinh thần của Nghị quyết 18 của Trung ương. Theo đó, một số vụ, cục sẽ giảm, sáp nhập để gọn hơn. 63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố sẽ chuyển thành chi nhánh NHNN khu vực.
"Việc này sẽ phải sửa lại hàng loạt văn bản liên quan, nhất là vấn đề kho quỹ giai đoạn cuối năm nên công việc của NHNN đang rất nặng nề”, ông Tú cho hay.
Theo số liệu của NHNN, doanh số cho vay cả năm 2024 của ngành ngân hàng đạt khoảng 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ khoảng 21 triệu tỷ đồng.
Mức cung ứng thêm cho nền kinh tế tăng so với dư nợ của năm 2023 là khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Dư nợ hiện nay còn 15,6 triệu tỷ đồng (cuối năm 2023 là 13,6 triệu tỷ đồng). Điều đó thể hiện tỷ trọng vốn tín dụng đưa vào nền kinh tế là rất cao.
Lãi suất huy động bình quân năm 2024 tăng 0,73%/năm so với cuối năm 2023, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,59%/năm. Trong đó, 4 ngân hàng Big4 giảm lãi suất cho vay trung bình gần 1%/năm so với cuối năm 2023.
"Cuối năm 2024 một số ngân hàng thương mại nhỏ tăng lãi suất huy động để bảo đảm tính thanh khoản, NHNN vẫn theo dõi nhưng chưa có dấu hiệu phải ngăn chặn. Lãi suất huy động hoàn toàn trong tầm kiểm soát để người gửi tiền không phải chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, tiền không chảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Năm 2024, NHNN vẫn đảm bảo chính sách tiền tệ hợp lý, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 3,63%, tăng trưởng GDP 7,08%. Các chỉ tiêu quan trọng này có đóng góp của đầu tư tín dụng, hạ lãi suất tạo giá trị thặng dư.
Theo Phó Thống đốc, thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất tích cực, không xảy ra tình trạng thiếu vốn trong năm 2024. Cơ chế điều hành hạn mức room tín dụng đã giúp yêu cầu về vốn của doanh nghiệp được đáp ứng kịp thời.
Ông Tú cũng khẳng định lãi suất điều hành đang duy trì ổn định và không có sự điều chỉnh trong năm 2024, đảm bảo phù hợp, hài hoà với lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, NHNN luôn chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất, tiết kiệm chi phí.
Việc điều hành tỷ giá, có lúc tăng lên hơn 7%, nhưng so với châu Á thì tỷ giá của Việt Nam vẫn ổn định hơn cả. Trung bình cả năm, tỷ giá tăng khoảng 5,03%. Tỷ giá lúc lên, lúc xuống theo cung cầu của thị trường, đảm bảo sự hài hoà và cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư hoàn toàn yên tâm về tỷ giá của Việt Nam.
Giảm trên 50% vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền sau khi áp dụng xác thực sinh trắc học
Công nghệ thanh toán là vấn đề thời sự của năm 2024. Nhiều ngân hàng thương mại ứng dụng dữ liệu dân cư của Bộ Công an, kết hợp với các chương trình của ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ trong thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống.
Đến nay đã có 84,7 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học. Những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản đã giảm trên 50% kể từ sau khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong thanh toán.
Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), đến nay tất cả TCTD đang hoạt động tích cực. Hầu hết ngân hàng có lãi và lãi cao hơn so với năm 2023. Các ngân hàng duy trì mức lãi hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nợ xấu của các ngân hàng dù có tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo yêu cầu an toàn, lành mạnh.
“Nợ xấu có xu hướng tăng. Ngay từ khi có những chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn trả nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ năm 2022 đến nay nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thể trả nợ. Chính sách này hỗ trợ cho doanh nghiệp trước mắt nhưng không phải cứ giãn hoãn là đảm bảo được cho câu chuyện của doanh nghiệp”, Phó Thống đốc nói.
Đến nay, hầu hết TCTD thực hiện Đề án tái cơ cấu 2021-2025 và đã đạt tiêu chuẩn Basel III trong mục tiêu quản trị. Ngay cả những ngân hàng có quy mô trung bình cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này.
2 ngân hàng mua bắt buộc đã được chuyển giao (OceanBank và CB). Còn lại hai ngân hàng yếu kém đang trình Chính phủ (Dong A Bank, GPBank) và có thể sẽ có phương án trước Tết Nguyên đán 2025.
Riêng Ngân hàng SCB đang được duy trì ổn định, đảm bảo được tiền gửi của người dân, cùng với đó tiến hành xử lý các sai phạm, yếu kém của ngân hàng và cá nhân gây ra, đồng thời đang xây dựng phương án tái cơ cấu SCB một cách tích cực.