Hà Nội sắp xếp địa giới phường xã theo tuyến đường, lòng sông

UBND TP Hà Nội cho biết một trong những nguyên tắc xác định địa giới của phường xã mới là theo trục đường giao thông và ranh giới tự nhiên như sông ngòi, địa vật.


30 quận, huyện của Thủ đô vừa công bố phương án sáp nhập phường xã và lấy ý kiến nhân dân. Việc sắp xếp này được tiến hành dựa trên một số nguyên tắc nhằm kiến tạo một hệ thống quản lý hành chính hiệu quả và khoa học, như sự tuân thủ tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, đảm bảo phù hợp với đặc điểm từng khu vực.


Mục tiêu then chốt của thành phố là thiết lập địa giới hành chính minh bạch, dễ dàng xác định và quản lý. Các yếu tố hiện hữu như trục đường giao thông, dòng chảy sông ngòi, cùng với quy hoạch phát triển đô thị, được ưu tiên xem xét để giải quyết triệt để tình trạng địa giới chồng chéo, vốn gây ra không ít bất cập trong quản lý giữa các đơn vị hành chính lân cận.


Việc sắp xếp cũng hướng đến sự nhất quán trong quản lý nhà nước đối với các khu vực có sự đan xen về chức năng, chẳng hạn như các cụm công nghiệp hay các khu đô thị mới. Mục tiêu bao trùm là tạo ra một nền tảng hành chính cơ sở vững chắc, hỗ trợ quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của Thủ đô.


"Nguyên tắc cốt lõi của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xử lý bất cập địa giới hành chính là hướng tới tương lai phát triển bền vững và vì lợi ích thiết thực của người dân", Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định.


Bà nhấn mạnh rằng đây không chỉ là cuộc cách mạng về tổ chức của toàn Đảng, mà còn là hành động cụ thể để hiện thực hóa nguyên tắc đó. Với vị thế là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn thứ hai cả nước (526 phường xã), Hà Nội dự kiến giảm đến 76%, hình thành 126 đơn vị mới. Việc sắp xếp sẽ được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học và công nghệ của Thủ đô, nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não.


Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống chính quyền cấp xã gần gũi với nhân dân, tạo dựng không gian phát triển tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại lịch sử như tình trạng địa giới hành chính phức tạp, "cài răng lược", một việc giao cho nhiều phường (như quản lý Hồ Tây), vì mục tiêu cao nhất là sự thuận tiện và lợi ích của người dân.


Tổ chức khu vực trục động lực phát triển


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trong buổi trả lời cử tri ngày 18/4 cho biết điểm nhấn trong phương án sáp nhập phường xã lần này là việc tổ chức các khu vực trục động lực phát triển và các yếu tố đặc thù, đặc biệt nằm trọn trong một đơn vị hành chính cơ sở mới. Mục tiêu của thành phố là xây dựng các đơn vị hành chính vừa "sát dân, gần dân", vừa đảm bảo không gian phát triển dài hạn, trở thành những cực tăng trưởng, dẫn dắt sự phát triển của các vùng lân cận và khu vực đồng bằng sông Hồng.


Theo ông, quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô đặt ra yêu cầu đặc biệt đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở, tính đến nhiều yếu tố đặc thù của thành phố. Trong đó, các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng quốc gia đặc biệt như Hoàng thành Thăng Long, thành cổ Cổ Loa, Sơn Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Chùa Hương... được ưu tiên bảo tồn không gian. Khu vực phố cổ, nơi lưu giữ dấu ấn hình thành Thăng Long - Hà Nội với các quần thể di tích, kiến trúc đặc sắc, cũng cần được xem xét trong một tổng thể thống nhất.


Bên cạnh đó, phương án sắp xếp còn đặc biệt chú trọng đến khu vực trung tâm chính trị - hành chính quốc gia như Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Trụ sở Chính phủ. Các làng nghề truyền thống tiêu biểu như Bát Tràng, Vạn Phúc; các khu vực di tích tâm linh lớn như chùa Hương, đền thờ Hai Bà Trưng; cùng các khu Liên hợp thể thao Quốc gia, trung tâm triển lãm, văn hóa lớn cũng được cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình sắp xếp.


Ưu tiên trục đường giao thông làm ranh giới


Hướng đến mục tiêu tối ưu hóa bộ máy quản lý, khơi thông tiềm năng và kiến tạo nền tảng phát triển kinh tế xã hội bền vững, Hà Nội xác định ưu tiên khai thác các trục giao thông chính làm ranh giới phân định. Quyết sách này không chỉ đảm bảo sự mạch lạc trong quản lý mà còn tương thích với sự phân bố chiến lược của các trung tâm logistics trọng yếu, kết nối nhịp nhàng với sân bay Nội Bài, đường sắt Ngọc Hồi, Yên Viên và cảng hàng không phía Nam.


Song song với đó, thành phố cũng nghiên cứu tính phù hợp trong quản lý đối với các khu vực kinh tế và công nghệ cao, trung tâm tài chính, ngân hàng, cũng như các khu đô thị hiện đại theo mô hình TOD (phát triển đô thị tích hợp giao thông đường sắt). Thành phố khẳng định quá trình sắp xếp này được thực hiện nhằm bảo đảm sự liền mạch, xóa bỏ tình trạng chia cắt trong quản lý, đồng thời kiến tạo sự đồng bộ và liên thông của hệ thống kết cấu hạ tầng, từ đó phát huy tối đa hiệu quả của các khu vực kinh tế trọng điểm và những vùng động lực tăng trưởng của Thủ đô.


Điển hình trong quá trình này là sự hình thành phường Tây Hồ, một trong hai đơn vị hành chính cơ sở được tách ra từ quận Tây Hồ. Phường mới này dự kiến sở hữu diện tích tự nhiên 10,56 km2 với quy mô dân số 93.600. Phường Tây Hồ sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của phường Bưởi; phần lớn diện tích và dân số của các phường Thụy Khuê, Xuân La, Quảng An; cùng một phần diện tích và dân số của các phường Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (thuộc quận Tây Hồ) và phường Nghĩa Đô (thuộc quận Cầu Giấy).


Lý giải về định hướng sắp xếp này, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho biết quận có những lợi thế đặc biệt khi tổ chức lại các đơn vị cấp phường dựa trên điều kiện địa hình, địa vật, hình thành ba phân khu chức năng rõ rệt. Trong đó, Hồ Tây và vùng phụ cận sẽ trở thành một phường độc lập, được bao bọc bởi các trục giao thông huyết mạch như Võ Chí Công, Âu Cơ, Nghi Tàm, Thanh Niên và Hoàng Hoa Thám. "Sự kết nối của các tuyến đường này tạo thành một vòng cung khép kín, mang đến ranh giới địa lý sắc nét, hoàn toàn phù hợp để thiết lập một đơn vị hành chính tự chủ", ông nói.


Bên cạnh yếu tố địa lý, quận Tây Hồ cũng đặt lên hàng đầu việc đánh giá các khía cạnh về quản trị, tính khoa học và sự thuận tiện cho đời sống người dân khi tiến hành hợp nhất các phường. Đặc biệt, quận đã tích hợp các quy hoạch đô thị đã được thành phố phê duyệt vào quá trình sắp xếp. Nhờ đó, phường Phú Thượng mới sẽ bao trọn Khu đô thị mới Nam Thăng Long, với ranh giới được định hình bởi đường đê An Dương Vương, đường Võ Chí Công, đường Nguyễn Hoàng Tôn và đường Phạm Văn Đồng theo hướng cầu Thăng Long.


Tương tự, quận Cầu Giấy cũng thực hiện việc mở rộng phường Nghĩa Đô bằng cách sáp nhập toàn bộ diện tích 127 ha và 18.000 cư dân từ các tổ dân phố số 1 đến 10, 15 đến 19 và 24, 25 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Trong trường hợp này, đường Phạm Văn Đồng đóng vai trò là trục đường phân chia ranh giới giữa phường thuộc quận Cầu Giấy và phường thuộc quận Bắc Từ Liêm.


Tái cấu trúc địa giới theo lòng sông


Trong quá trình tái cấu trúc các đơn vị hành chính cấp phường, xã, Hà Nội cũng chú trọng đến yếu tố tự nhiên, đặc biệt là lòng sông, để xác định ranh giới. Lòng sông là ranh giới tự nhiên, ổn định, dễ nhận biết và thuận lợi cho quản lý. Sông ngòi vừa phân chia địa giới hành chính, vừa tạo liên kết qua giao thông đường thủy và đặc trưng văn hóa, sinh thái vùng ven sông.


Trong 126 xã, phường của Hà Nội sau sắp xếp, phường Hồng Hà dự kiến hình thành mới từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích, dân số của nhiều phường khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc 5 quận nội thành. Phường có địa giới kéo dài từ cầu Nhật Tân qua cầu Vĩnh Tuy với diện tích 16,61 km2, dân số 126.000.


Phường gồm toàn bộ diện tích và dân số các phường: Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); một phần diện tích và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên).


Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, UBND TP Hà Nội đã tính đến chiến lược phát triển đô thị dọc sông Hồng, với điểm nhấn là phân khu đô thị sông Hồng gồm ba phường Nhật Tân, Kim Liên và Yên Phụ. Dựa trên giao thông, sông ngòi và dự báo phát triển, việc chia lại địa giới hành chính này được cộng đồng dân cư ủng hộ cao với tỷ lệ trên 90%.


Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm, lưu ý rằng quận Hoàn Kiếm, tương tự Ba Đình, có đặc thù là nơi tập trung nhiều cơ quan, ban ngành của Trung ương và TP Hà Nội. Do đó, việc sắp xếp, phân chia lại địa giới hành chính đã được cân nhắc kỹ các yếu tố chính trị, lịch sử và văn hóa.


"Về phương án sắp xếp phường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các quận lấy ý kiến nhân dân, tên gọi của phường mới đảm bảo phù hợp với địa danh sông Hồng", ông nói.


Võ Hải - Sơn Hà









Ha Noi sap xep dia gioi phuong xa theo tuyen duong, long song


UBND TP Ha Noi cho biet mot trong nhung nguyen tac xac dinh dia gioi cua phuong xa moi la theo truc duong giao thong va ranh gioi tu nhien nhu song ngoi, dia vat.

Hà Nội sắp xếp địa giới phường xã theo tuyến đường, lòng sông

UBND TP Hà Nội cho biết một trong những nguyên tắc xác định địa giới của phường xã mới là theo trục đường giao thông và ranh giới tự nhiên như sông ngòi, địa vật.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá