Giáo viên hụt hẫng vì bị `chặn đường` dạy thêm

Thu nhập từ dạy thêm của cô Ngân khoảng 40-50 triệu đồng mỗi tháng, nhưng nếu không được thu tiền học sinh chính khóa, mức này giảm 80%, khiến cô thấy hụt hẫng.


"Cho dạy mà không được thu tiền thì không khác gì cấm", cô Nguyễn Thị Ngân, giáo viên Ngữ văn tại một trường THCS ở quận 1, TP HCM, bày tỏ.


Ít ngày trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư về dạy thêm, học thêm. Theo đó, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường. Đây là một trong những điểm mới vì quy định cũ cho phép thầy cô được dạy thêm bên ngoài với học sinh của mình, nếu được hiệu trưởng đồng ý.


Cô Ngân cho biết những năm đầu, cô cũng đăng ký dạy ở trung tâm, nhưng thu nhập bị chia một nửa hoặc chỉ được trả công theo giờ, bất kể số lượng học sinh. Cảm thấy không thỏa đáng, cô tự thuê địa điểm mở lớp, sau đó chuyển về dạy tại nhà. Hiện, thu nhập từ việc dạy thêm của cô khoảng 40-50 triệu đồng, gấp đôi lương ở trường.


Học sinh của cô Ngân ở lớp học thêm hầu hết đến từ lớp chính khóa. Theo quy định mới, cô sẽ không được thu học phí của những em này, sụt giảm khoảng 80% thu nhập.


"Rõ ràng thông tư mới theo hướng không quản được thì cấm, thay vì tạo điều kiện để giáo viên được dạy thêm một cách đàng hoàng như Bộ nói", cô nói.


Cô Thu Hà, giáo viên lớp 2 ở Phủ Lý, Hà Nam, chung suy nghĩ này. sau 5 năm đi dạy, cô Hà đang hưởng lương 6 triệu đồng một tháng ở trường, theo cô là không đủ sống với cặp vợ chồng viên chức có con nhỏ.


Vì vậy, cô thuê một phòng gần trường, dạy thêm khoảng 15 học sinh vào hai buổi mỗi tuần. Với học phí 50.000 đồng/buổi, trừ một triệu đồng tiền thuê nhà, cô Linh thu về 5 triệu đồng mỗi tháng. Khoản này giúp cô san sẻ được gánh nặng tài chính với chồng.


Cũng như cô Ngân, khoảng 90% học sinh tới lớp học thêm của cô Hà là từ lớp chính khóa. Theo cô, việc dạy thêm học sinh trên lớp của mình có nhiều thuận lợi, như có thể nắm bắt được lực học, lượng kiến thức các em đã học trên lớp để hướng dẫn cho phù hợp.


"Giờ ngay cả khi phụ huynh có nhu cầu, chúng tôi cũng không được thu tiền nữa hay sao? Giáo viên bỏ thời gian, công sức dạy học sinh, nhưng phải miễn phí trong khi lương không đủ nuôi con. Như vậy có công bằng cho chúng tôi?", cô Hà nêu vấn đề.


Trong nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP HCM hồi tháng 11/2024, hơn 63% trong số 12.500 giáo viên tham gia, nói muốn được hợp pháp hóa việc dạy thêm, gồm cả dạy ở nhà và dạy online để tăng thu nhập chính đáng. Thầy cô cho biết dù lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, thu nhập từ nghề giáo chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình.


Không ít người cảm thấy quy định mới về dạy thêm là vô lý. Khảo sát VnExpress thực hiện với gần 8.000 độc giả, 46% cho rằng việc cấm giáo viên thu tiền của học sinh chính khóa là không hợp lý và cần quản lý dạy thêm bằng cách khác.


Các giáo viên cho rằng quy định này sẽ làm giảm động lực phấn đấu, khiến thầy cô cảm thấy bị phân biệt đối xử so với nhiều ngành nghề khác khi không thể kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động và chuyên môn của mình. Về phía học sinh, các em cũng sẽ gặp thiệt thòi nếu có nhu cầu học nhưng thầy cô không dạy, vì không được thu tiền.


Đây cũng là suy nghĩ của chị Hương, 33 tuổi, ở Phú Thọ. Người mẹ lo rằng thầy cô giải tán lớp học thêm nếu không được thu tiền học sinh chính khóa.


Chị Hương có hai con học lớp 2 và 7. Ngoài học ở trường, chị cho con trai lớp 7 học thêm ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh ở nhà các thầy cô dạy con trên lớp, mỗi môn một buổi trong tuần. Con gái lớp 2 cũng học Toán và Tiếng Việt tại nhà cô chủ nhiệm vào thứ bảy, chủ nhật. Học phí khoảng 30.000-60.000 đồng một buổi - mức "khá rẻ" theo đánh giá của chị.


Chị nói hai vợ chồng bận rộn buôn bán, lại không đủ kiến thức để kèm con học nên việc cho các cháu đi học thêm là lựa chọn phù hợp và hiệu quả. Thầy cô dạy con trên lớp sẽ nắm được lực học, giúp con hiểu bài tốt hơn.


"Dạy ở nhà cũng tốn tiền điện, nước, rồi thời gian, công sức thầy cô bỏ ra. Giờ không được thu tiền, thầy cô không dạy nữa thì chúng tôi cũng không biết làm như nào", chị nói. "Như này không chỉ làm khó thầy cô mà cả phụ huynh".


Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền nhìn nhận rằng những điều chỉnh của Bộ đang theo hướng không quản được thì cấm.


Để không vi phạm quy định, giáo viên phải đến dạy thêm ở các trung tâm hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người không muốn dạy ở trung tâm do chia thù lao không tương xứng, ở các vùng quê cũng ít có trung tâm. Trong khi lập một doanh nghiệp giáo dục là "câu chuyện cực kỳ nhiêu khê" với hàng chục quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, giấy phép.


Lựa chọn phổ biến với giáo viên là mở lớp ở nhà, dù biết là "lách luật". Thông tư mới yêu cầu không được thu tiền với học sinh chính khóa là gần như không có "cửa sáng" nào cho giáo viên dạy thêm.


Dù vậy, chuyện cấm thu tiền có thể góp phần giảm tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm, theo nguyên hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội.


Theo vị này, chuyện thầy cô ép học sinh "phần nào đó" xuất phát từ lợi ích tài chính. Bây giờ khi lợi ích này không còn, tình trạng tác động, lôi kéo các em đến lớp học thêm sẽ giảm. Ngoài ra, việc không thu tiền với học sinh chính khóa có thể tạo động lực để giáo viên nâng cao chuyên môn, thu hút học sinh từ trường khác, lớp khác tìm đến học.


Khi ban hành thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết quy định cấm thu tiền nhằm khắc phục tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Theo Bộ, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo lợi ích của học sinh, ngăn chặn các quy cơ dẫn đến tình trạng các em phải đi học, dù không có nhu cầu.


Chị Là, 35 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, cũng hy vọng chính sách này của Bộ tạo ra tác động tích cực. Quan điểm của chị là không cho con học thêm ở tiểu học, nhưng với cả hai con lớp 3 và 6, chị vẫn cho tới nhà cô. Lý do là cô "thường xuyên có gợi ý" về việc học thêm.


"Dù lời lẽ không thể hiện rõ, việc cô nhiều lần gợi ý khiến tôi thấy bị ép", chị kể. "Giờ không được thu tiền, thầy cô không tổ chức lớp ở nhà, tôi đỡ bực mình".


TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng cần sớm đưa học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh đặc biệt, cho phép giáo viên được đăng ký làm hộ kinh doanh cá thể. Việc sẽ có những quy định đặc biệt, cụ thể về số lượng học sinh, giáo viên với điều kiện cơ sở vật chất đi kèm. Theo bà, phương án này giải quyết được nhu cầu dạy thêm, học thêm, bắt kịp và quản lý hoạt động của "thị trường" này, góp phần thu ngân sách.


Bộ thời gian qua nhiều lần kiến nghị đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để hoạt động này không biến tướng, thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.


Ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, tỉnh Lâm Đồng, đề nghị hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên và sâu sát hơn. Qua đó, nhà chức trách nắm được lịch học, thời gian, học phí, cơ sở vật chất, cũng như những bất cập, phản ánh của người học. Về lâu dài, ông mong có riêng quy định về dạy thêm, học thêm ở mỗi cấp học, giúp ngành và địa phương dễ quản lý.


Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 14/2. Cô Thu Hà dự định dạy đến cuối tháng này rồi cho học sinh nghỉ Tết Ất Tỵ, đồng thời giải tán lớp. Lý do là nếu miễn phí cho tất cả học sinh trên lớp, cô không đủ trả tiền thuê mặt bằng.


"Tôi cũng không muốn phải dạy trong cảnh thấp thỏm, áy náy với học sinh và phụ huynh khi biết không được thu tiền mà vẫn làm", cô Hà nói. "Không thể kiếm tiền từ công việc chuyên môn, có thể tôi sẽ bán hàng online để trang trải cuộc sống".


Thanh Hằng - Tâm Lệ









Giao vien hut hang vi bi 'chan duong' day them


Thu nhap tu day them cua co Ngan khoang 40-50 trieu dong moi thang, nhung neu khong duoc thu tien hoc sinh chinh khoa, muc nay giam 80%, khien co thay hut hang.

Giáo viên hụt hẫng vì bị 'chặn đường' dạy thêm

Thu nhập từ dạy thêm của cô Ngân khoảng 40-50 triệu đồng mỗi tháng, nhưng nếu không được thu tiền học sinh chính khóa, mức này giảm 80%, khiến cô thấy hụt hẫng.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá