Giáo viên dạy thêm vì bệnh thành tích, học yếu vẫn được tạo điều kiện lên lớp

Theo nhiều giáo viên họ dạy thêm vì bệnh thành tích, học sinh yếu vẫn được tạo điều kiện lên lớp hoặc chuyển cấp. Mặt khác một bộ phận phụ huynh hiện nay đặt kỳ vọng về con mình rất cao nên họ muốn con mình phải học thêm.


3 lý do khiến giáo viên dạy thêm


PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng phát triển chính sách - Đại học Quốc gia TPHCM, cho hay khi phỏng vấn một số giáo viên ở Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang (để thực hiện đề tài khoa học cấp ĐH Quốc gia TPHCM), nhiều người tâm sự rằng, ngoài một số trường hợp “con sâu là rầu nồi canh” trong hoạt động dạy thêm thì nhu cầu này là có thật. Họ nêu ra 3 lý do dạy thêm.


Thứ nhất, do tình trạng bệnh thành tích nên nhiều trường hợp học sinh yếu vẫn được “tạo điều kiện” để lên lớp hoặc chuyển cấp. Kết quả các học sinh này bị mất gốc, tiếp thu không nổi và kịp kiến thức đang học ở lớp, cảm thấy chán học, trường hợp này phụ huynh rất có nhu cầu cho các em được học thêm để củng cố lại kiến thức.


Thứ hai, một bộ phận phụ huynh hiện nay đặt kỳ vọng về con mình rất cao nên mong muốn con mình học thêm, đặc biệt là các lớp chuẩn bị chuyển cấp để được vào học các trường tốt.


Thứ ba, nhiều phụ huynh là công chức hay công nhân, giờ làm việc cố định nên không đón con kịp, họ có nhu cầu nhờ giáo viên đưa đón về nhà, dạy thêm thậm chí là chăm cho các em ăn, uống.


Trước những nhu cầu trên, giáo viên phải dạy “chui”, điều này làm tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà giáo trong mắt học sinh và cả xã hội, nhưng vì “gánh nặng mưu sinh” nên họ buộc phải làm như vậy.


Giáo viên và nhà quản lý đều cho rằng họ biết thầy, cô nào trong trường mình có dạy thêm ở nhà hoặc thuê nơi khác dạy nhưng “ngó lơ” trừ trường hợp bị phụ huynh phản ánh ép buộc học thêm hay bị kiện tụng thì họ phải đau đầu xử lý.


Ngoài ra, năng lực phản biện học sinh phát triển, do đó nếu thầy, cô nào “dùng chiêu bắt các em học thêm” các em sẽ phản ứng mạnh. Với sự phát triển của thông tin hiện nay, nhất là các mạng xã hội thì chuyện “bắt các con sâu” không khó nếu trao cho họ cơ chế rõ ràng với các chế tài đủ mạnh.


Có đến 63,57% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp thức hóa việc dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online, nhằm tăng thu nhập từ chính năng lực của mình. Đồng thời giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội còn hơn làm làm các nghề tay trái ít liên quan đến nghề nghiệp.


Giáo viên bị bôi nhọ trên mạng xã hội


Cũng theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, khi phỏng vấn giáo viên đặc biệt là giáo viên trẻ, nhiều thầy, cô tâm sự rằng: “mặc dù chi tiêu rất tằn tiện nhưng chưa hết tháng đã hết lương, nhiều thầy không dám có bạn gái vì không lấy đâu ra khoản “chi tiêu cho tình phí”.


Ngoài đi dạy, giáo viên có nhiều “nghề tay trái” như làm nông nghiệp, kinh doanh nhỏ, bán hàng online, giao hàng. Nhóm làm thêm này rơi nhiều vào giáo viên dạy tiểu học và dạy trung học cơ sở. Mức thu nhập từ các nghề phụ của giáo viên đã góp phần không nhỏ giúp họ trang trải cuộc sống gia đình, trung bình đóng góp khoảng 12% tổng thu nhập.


Nghề phụ của giáo viên. Ảnh: ĐHQG TPHCM

Theo ông Tình, giáo viên chịu nhiều áp lực, trong đó áp lực lớn nhất là từ phụ huynh học sinh. “Có đến 40,63% giáo viên từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh”- ông Tình nêu.


Phỏng vấn thầy, cô trong ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn và giáo viên, ông Tình cho hay, các cấp đều có chung nhận định nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, thường xuyên can thiệp sâu vào công việc giảng dạy, thậm chí gây áp lực về điểm số. Họ liên tục theo dõi, đặt câu hỏi và yêu cầu báo cáo chi tiết về tình hình học tập của con qua các nhóm Zalo hay Facebook...


“Điều đáng lo ngại, một số giáo viên phản ánh rằng có phụ huynh còn có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến thầy, cô như trực tiếp đến trường gây gổ, chửi bới, thậm chí hành hung giáo viên khi con em họ bị phê bình, nhắc nhở hoặc không đạt điểm cao. Nhiều giáo viên còn phải đối mặt với tình trạng bị đe doạ hay bị bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội. Điều này không chỉ khiến đội ngũ giáo viên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất tự chủ và cảm ứng trong công việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục, đồng thời tạo nên hình ảnh xấu trong mắt học sinh về mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình”- theo ông Tình.


Cứ 10 giáo viên thì 3 người dạy thêm

Kết quả phỏng vấn gần 13.000 giáo viên cho thấy 25,4% đã dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường. Số giờ dạy thêm nhiều nhất là bậc THPT, với mức 14,91 giờ/tuần.

Sở GD-ĐT TPHCM lên tiếng về yêu cầu 'bắt' giáo viên dạy thêm

Về tin nhắn có nội dung yêu cầu các phòng GD-ĐT bắt và "kiểm điểm giáo viên dạy thêm đang lan truyền trên mạng xã hội, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định đây là trò giả mạo.