Anh Kiên, 36 tuổi, quê Hải Dương, bắt gặp dòng tin tuyển dụng đi làm việc ở Đài Loan vào một ngày cuối tháng 10 khi đang lướt mạng xã hội. "Công ty mình đang thiếu người. Người cũ về Việt Nam không sang nữa mà nhiều việc quá nên chủ nhờ tìm 5 bạn nam đứng máy tiện CNC", anh nhớ nội dung quảng cáo của tài khoản tên Linh.
Đúng lúc này, Kiên đang muốn đi xuất khẩu lao động khi việc kinh doanh ngày càng khó. Tiệm sửa xe đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình sáu người, nhưng bốn đứa trẻ đang đi học sẽ cần nhiều tiền hơn. Năm ngoái, anh đã làm xong hộ chiếu và đợi ngày sang Đài Loan nhưng cuối cùng hủy khi vướng việc nhà.
Nhắn tin với tài khoản tên Linh, Kiên được cô cho hay chỉ là môi giới và giới thiệu anh với "nhân viên công ty chuyên cung ứng lao động đi Đài Loan" tên Đỗ Quyên. Từ đây, người phụ nữ tên Quyên xin số điện thoại, Zalo, facebook của anh Kiên và "chốt hợp đồng". Trao đổi hai bên chủ yếu qua mạng xã hội.
Hợp lực giăng bẫy
Thấy anh Kiên nghi ngại khi chưa từng gặp mặt, Đỗ Quyên và Linh kết nối tiếp để anh trò chuyện với người đàn ông tên Trung. Người này giới thiệu "có chị gái đang làm việc bên Đài Loan, thu nhập rất ổn". Trung cho tài khoản Facebook để anh gọi video nói chuyện với "chị gái". Người phụ nữ này kể qua công việc, thu nhập, gửi hình bên Đài Loan cho anh xem rồi dặn "cứ yên tâm, công việc tốt nên em mới để thằng em ruột sang đây".
Trung tiếp tục trấn an Kiên rằng anh ta cũng đang lo thủ tục để đi Đài Loan, "hôm sau anh em cố gắng bay cùng chuyến, làm cùng công ty".
Trong các cuộc gọi video qua mạng xã hội, anh Kiên thấy hình ảnh mờ ảo, chuyển động chậm liền thắc mắc "sao chị nói một lúc mới thấy tiếng vang lên". Bên kia lấy lý do điện thoại cũ, mạng kém và đang ở công ty không tiện nói chuyện video rồi tắt hình, chỉ gọi thoại.
Vài ngày sau, môi giới báo "đơn hàng thành công", chủ người Đài Loan đã nhận đồng thời gửi mẫu hồ sơ để anh điền thông tin. Bù lại, anh phải chuyển trước 7 triệu đồng tiền cọc giữ đơn hàng. "Tôi nói tài khoản chỉ còn 3 triệu, họ kêu gắng xoay xở, thiếu bao nhiêu sẽ cho vay rồi chuyển cho 2 triệu đồng", anh Kiên kể. Nhận được tiền đặt cọc của anh, người môi giới gửi biên lai thu phí có đóng dấu công ty rồi nói "đợi lịch bay".
"Nhân viên" Đỗ Quyên thông báo cho anh biết chi phí chuyến đi hết 5.200 USD, trong đó 1.200 USD được chủ sử dụng lao động hỗ trợ, còn lại 4.000 USD do anh chi trả. Thời gian đợi đi khoảng ba tuần, trong khi các chuyến bình thường mất 3- 4 tháng và chi phí đắt nhất khoảng 6.000 USD. Anh Kiên đồng ý.
Anh Kiên không kể với gia đình, đợi mọi thứ xong xuôi rồi mới báo tin. Nhưng ông bố bốn con không biết rằng "món tiền 2 triệu đồng cho mượn chỉ là con săn sắt được thả để bắt con cá to hơn". Một tuần sau, Linh Linh và Đỗ Quyên thay phiên nhau báo đã có hợp đồng gửi từ Đài Loan về và yêu cầu anh Kiên chuyển tiếp 30 triệu để lo trước một số chi phí.
Tiền được chuyển đi, đầu tháng 11, "Đỗ Quyên" báo lịch bay và yêu cầu chuyển tiếp 37 triệu đồng đóng "phí chống trốn". Anh Kiên không đồng ý chuyển khoản mà yêu cầu nhắn địa chỉ công ty trên Hà Nội để đến tận nơi gặp và đóng tiền. Nhưng Đỗ Quyên từ chối, nói phải xử lý trong ngày nếu không sẽ lỡ mất đơn hàng. Tiếc 37 triệu đồng hai lần chuyển khoản trước cộng nỗi lo vuột mất "hợp đồng", anh Kiên cuống lên đi vay mượn và chuyển tiếp 37 triệu. Tổng cộng ba lần, anh đã chuyển 74 triệu đồng.
"Từ lúc này, tôi như bị ma xui quỷ khiến", anh nhớ lại, kể rằng khi đó Đỗ Quyên báo hệ thống treo, công ty chưa nhận được tiền. Cô ta dụ anh thực hiện lại thao tác, khi hệ thống hết treo kế toán sẽ chuyển trả lại và gửi biên lai.
"Tôi lấy đâu ra tiền để chuyển thêm lần nữa", anh Kiên kể lại lời phàn nàn. Bên kia nói đầy vẻ tiếc nuối: "Đến bước này anh cố thêm tí nữa, để sang hôm sau tiền không được xác nhận khéo trôi mất, bọn em không chịu trách nhiệm. Công ty chưa nhận chi phí sẽ không chuyển hồ sơ để xuất cảnh được".
Kiên cho hay Đỗ Quyên vừa thuyết phục vừa dọa mất đơn hàng. Sợ mất hết, anh tiếp tục chuyển tiền.
Chiêu lừa chưa dừng lại khi Đỗ Quyên hốt hoảng: "Anh chuyển sai cú pháp nên công ty chưa xác nhận được đâu. Khổ thân anh" rồi tiếp tục bảo chuyển thêm tiền. Với các lý do ngân hàng lỗi, hệ thống treo, sai cú pháp, người này đã dụ anh Kiên chuyển tổng cộng 235 triệu đồng trong một ngày.
Cuối ngày, khi tiếp tục bị yêu cầu đóng thêm, 22h anh Kiên nói ngày mai sẽ trực tiếp lên công ty ở Hà Nội) đóng, "giờ này không thể lấy đâu ra thêm tiền".
Sáng hôm sau, đợi vợ đi làm, con tới lớp, người đàn ông đi xe máy từ Hải Dương lên Hà Nội tìm đến trụ sở công ty hỏi thăm nhân viên "Đỗ Quyên". Phía công ty nói không có ai tên Quyên, rồi hỏi "có phải anh bị lừa rồi không?".
Kiên kể anh lúc này như "chết sững", lập tức gọi cho Đỗ Quyên hỏi đang ở đâu. Đầu dây bên kia vẫn bắt máy, nói ở cơ quan rồi gửi ảnh chứng thực. Khi biết anh đang ở trong công ty, cô ta trêu tức "không tìm thấy thì thôi" rồi tắt điện thoại, chặn liên lạc. Cùng lúc, các tài khoản tên Linh, Trung và "chị gái" của Trung cũng chặn liên hệ với anh.
Hôm đó tại công ty, Kiên cũng một người phụ nữ đến phản ánh bị lừa với thủ đoạn tương tự. Để lại một tờ đơn trình báo sự việc, phiếu thu, tin nhắn làm bằng chứng bị lừa gửi công ty, Kiên bỏ cả cơm trưa, đi một mạch về Hải Dương.
Trở về quê nhà, anh đốt hết giấy khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, biên lai chuyển tiền, xóa sạch tin nhắn vì sợ vợ biết. "Giờ biết tìm ai, tìm ở đâu nữa. Việc mình làm mình tự chịu", anh lạc giọng kể với VnExpress.
Người đàn ông tự nhận "rất tỉnh táo với các món lừa đảo" nhưng khi trực tiếp trở thành nạn nhân lại "không hiểu sao đầu óc lú lẫn". "Nó liên tục dọa mất đơn hàng, mất tiền khiến mình cuống và cứ thế nghe lời. Có lúc nói lời ngon ngọt như người nhà ruột thịt với nhau ấy", anh kể.
Kiên cho rằng đây là đường dây lừa đảo vì có 4 người gồm tài khoản tên Linh, Đỗ Quyên, Trung và "chị gái Trung" kết hợp với nhau rất ăn ý. Hiện, anh đã bị các tài khoản này chặn song nếu người khác thử tìm kiếm theo đường link mà nạn nhân cung cấp thì người dùng trên vẫn đang hoạt động. Thậm chí tài khoản Đỗ Quyên cập nhật ảnh bìa hôm 16/11.
Vợ chồng chị Huệ anh Tiến, quê Thái Bình, cũng bị lừa tổng cộng 325 triệu đồng với chiêu thức tương tự anh Kiên. Trong đơn trình báo, chị Huệ cho biết quen môi giới Linh Linh qua người thân bên Đài Loan, nói đang cần lao động đi làm đơn hàng điện tử và có thể xuất cảnh trong một tháng.
Môi giới này yêu cầu vợ chồng chị đóng tiền cọc 25 triệu đồng, đặt cọc trúng tuyển đơn hàng 60 triệu đồng. Chung mánh khóe, tài khoản Linh Linh lấy cớ chị Huệ thao tác sai nên hệ thống chưa nhận được tiền. Người này nhiều lần thúc giục chị chuyển gấp đôi số tiền vào tài khoản nhận, sau khi xác nhận sẽ hoàn lại. Chị Huệ không đồng ý chuyển khoản tiếp liền bị chặn liên lạc.
Môi giới Linh Linh cũng là cái tên được nhắc đến trong đơn trình báo của chị Liên 37 tuổi ở Bắc Ninh. Chị cho biết cuối tháng 10 có người quen đang làm việc bên Đài Loan nói có đơn hàng chỉ định điện tử. Người này giới thiệu cho chị môi giới Linh Linh chuyên làm hồ sơ tại Việt Nam. Từ khi tiếp nhận thông tin tới khi xuất cảnh khoảng ba tuần, chi phí 4.200 USD cho hợp đồng 3 năm.
Chị Liên đã chuyển cho Linh Linh 99 triệu đồng các loại chi phí như tiền cọc hồ sơ 10 triệu, đơn trúng tuyển 30 triệu đồng, tiền chống trốn 37 triệu đồng. Kẻ này hẹn ngày 15/11 chị sẽ xuất cảnh nhưng sau khi nhận được tiền thì chặn liên lạc.
Hàng chục lao động bị lừa cùng chiêu thức
Điểm chung của các vụ lừa đảo trên là kẻ gian đều tự xưng nhân viên công ty chuyên cung ứng lao động đi làm việc tại Đài Loan, trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội. Lãnh đạo công ty này khẳng định "đã rà soát toàn bộ nhân viên nhưng không ai có tên như các nạn nhân phản ánh". Các giấy tờ như phiếu thu, con dấu, chữ ký giám đốc đều bị giả mạo.
Công ty cho hay trong hai tháng 10-11 đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp phản ánh qua điện thoại lẫn trực tiếp tìm đến trụ sở về việc bị lừa đảo chi phí xuất cảnh đi Đài Loan. Số tiền bị lừa dao động từ 5 đến tận 325 triệu đồng, người sau bị lừa nặng nề hơn trước. Nạn nhân đến từ nhiều vùng quê Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình...
Báo cáo với Cục Quản lý lao động ngoài nước, công ty cho hay thấy điểm chung của nhiều vụ việc là nhóm lừa đảo đăng tuyển dụng qua Facebook và tự xưng là môi giới cho doanh nghiệp ở Đài Loan. Có vụ chúng tiếp cận với người lao động đang làm việc bên Đài lấy lòng tin, nhờ giới thiệu người nhà ở Việt Nam nộp đơn ứng tuyển rồi lừa chuyển khoản.
"Có trường hợp chúng lừa nạn nhân lên tận sân bay chờ xuất cảnh, hướng dẫn vòng vèo một hồi rồi tắt máy chặn số", lãnh đạo công ty kể.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phát cảnh báo về tình trạng mạo danh này, cho hay kẻ gian thường sử dụng tên doanh nghiệp gần giống đơn vị được cấp phép, tài khoản nhận tiền của cá nhân trùng với tên lãnh đạo doanh nghiệp để lừa thu tiền. Cơ quan này khuyến cáo người lao động nên liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để nhận tư vấn, nộp tiền trực tiếp tại công ty sau khi ký hợp đồng và không nộp tại các chi nhánh.
272 triệu đồng vay người thân, bạn bè giờ mất trắng, Kiên nói kiếm nhanh cũng phải hai năm mới trả hết. Nửa tháng sau khi bị lừa, anh vẫn giấu không cho gia đình biết, chỉ hy vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra.
Với riêng mình, Kiên coi đây là "bài học thấm thía cả đời".
Hồng Chiêu
* Tên nạn nhân đã được thay đổi