Trong biển lớn của văn chương hiện đại, nơi những câu chuyện tình yêu ngày càng được thể hiện đa dạng qua nhiều thể loại và sắc thái, Gặp lại giữa lưng chừng nhân thế của cựu nhà báo Thu Hằng như một cơn gió mát lành thổi vào tâm hồn độc giả.

Không gây sốc như tác phẩm đầu tay Nỗi đau của bướm đêm, cuốn tiểu thuyết thứ 2 của Thu Hằng là một câu chuyện tình thấm đẫm chất thơ và màu sắc huyền ảo. Tác giả vẽ nên một chuyện tình xuyên kiếp lãng mạn và nhân văn.
Ở kiếp trước, nàng là Thủy Vân, một tiểu thư nhà giàu, thông minh, xinh đẹp. Trái tim nàng rung động trước Trần Hiển, một vị tướng quân anh dũng nhưng cô độc. Thủy Vân yêu Trần Hiển bằng một tình yêu trong sáng, đậm sâu như mạch ngầm, nhưng số phận nghiệt ngã đã cắt ngang mộng đẹp: Họ chia lìa, không kịp nói một lời từ biệt – một kết thúc bi thảm, đẹp như phim ảnh.
Ở hiện tại, Thủy Vân tái sinh trong hình hài Thanh Trang, một cô gái hiện đại tưởng chừng không liên quan gì đến quá khứ, cho đến khi một giấc mơ dữ dội đánh thức tất cả: Ký ức xưa ùa về như thác lũ.
Cùng với đó là những biến cố liên tiếp ập đến trong cuộc sống hiện tại – mất mát, đau thương và cả sự lạc lõng tận cùng. Trong lúc Thanh Trang rơi vào hố sâu tuyệt vọng, định mệnh một lần nữa se duyên cho cô gặp Thắng, một bác sĩ trẻ điển trai, ấm áp.
Trang choáng váng khi nhận ra Thắng chính là Trần Hiển của kiếp trước. Từ đây, một chuyện tình tưởng đã phai mờ theo thời gian lại một lần nữa nảy mầm nơi “lưng chừng nhân thế”.
Điểm đáng chú ý của Gặp lại giữa lưng chừng nhân thế không nằm ở việc khai thác mô-típ tình yêu xuyên kiếp vốn đã quen thuộc, mà ở cách tác giả xây dựng không gian và chiều sâu tâm lý nhân vật.
Cái “lưng chừng” trong tiêu đề không chỉ là nơi 2 nhân vật từng yêu nhau gặp lại ở hiện tại, mà còn là khoảng giao thoa giữa mộng tưởng và hiện thực, giữa ký ức và hiện tại, giữa điều đã qua và điều đang tới.
Thanh Trang đứng giữa ranh giới mong manh của 2 kiếp người, mang theo những dằn vặt và những câu hỏi không lời đáp: Nếu ký ức chỉ là mộng, thì tình yêu kia có thật không? Nếu là thật, thì liệu cô và Thắng có thể có một kết thúc đẹp hơn kiếp trước?
Chính sự day dứt ấy thôi thúc Trang đi tìm ý nghĩa của sự tái sinh, của yêu thương và cả sự tha thứ. Tình yêu trong Gặp lại giữa lưng chừng nhân thế hiện lên đầy cảm xúc – mãnh liệt, chân thực, có giằng xé, có nghi ngờ, nhưng trên tất cả là một tình yêu sâu đậm.
Thắng - kiếp sau của Trần Hiển - yêu “đàn chị” Thanh Trang như một sự tất yếu của định mệnh. Anh làm tất cả vì người mình yêu, không hề toan tính. Tình yêu đẹp như mơ ấy khiến độc giả không khỏi ao ước một “hoàng tử” của riêng mình.

Giọng văn của Thu Hằng được cho rằng sâu lắng, mãnh liệt, gợi cảm xúc, đôi lúc như lời thì thầm vọng về từ quá khứ. Không sa đà vào chi tiết hay triết lý rườm rà, tác giả dẫn dắt câu chuyện theo dòng cảm xúc, đan xen giữa hiện tại và quá khứ bằng nhịp điệu tự nhiên, mềm mại như dòng nước.
Cấu trúc truyện mang màu sắc điện ảnh với những đoạn hồi tưởng (flashback) được lồng ghép khéo léo. Người đọc dễ bị cuốn hút bởi cách các tầng thời gian được xếp chồng, tạo nên một kết cấu vừa logic, vừa huyền ảo.
Cái kết của quá khứ đầy đau khổ và dằn vặt, nhưng sang đến hiện đại lại là một chuyện tình cảm động, ngọt ngào như “mía lùi”. Cuộc gặp gỡ “giữa lưng chừng” ấy đủ để khiến trái tim người đọc thổn thức, bởi nó mang lại niềm tin rằng: Tình yêu, nếu đủ chân thành, sẽ luôn tìm được đường quay về.
Tác phẩm như một lời thì thầm dịu dàng về nhân duyên và sự tái sinh. Đó không chỉ là câu chuyện tình riêng của Thủy Vân – Trần Hiển hay Thanh Trang – Đức Thắng, mà còn là câu chuyện của bất kỳ ai từng trải qua cảm xúc yêu đương hoặc khao khát tình yêu chân thành.