Một năm thành công của ngành lúa gạo Việt Nam
Năm 2024, ngành lúa gạo Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về sản lượng, giá trị xuất khẩu và chất lượng sản phẩm với những con số kỷ lục mới. Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2024, tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt hơn 9 triệu tấn và 5,7 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm trước.
Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn. Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số.
Vị thế của thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam ngày càng được định vị rõ nét trên thị trường quốc tế khi có thương hiệu gạo thứ 2 xuất khẩu thành công vào Nhật Bản, một trong những thị trường khắt khe về các tiêu chí kiểm định chất lượng trong nhập khẩu nông sản, trong đó có gạo.
Tập đoàn Tân Long là một doanh nghiệp có gần 15 năm trong lĩnh vực lúa gạo và 5 năm đưa thương hiệu Gạo A An đến với 63 tỉnh thành Việt Nam cùng một số quốc gia khác.
Trong dấu ấn thương hiệu gạo Việt trên bản đồ thế giới, A An là thương hiệu Gạo Việt Nam đã 2 lần xuất khẩu thành công vào Nhật Bản: lần đầu tiên là Gạo ST25 vào tháng 6/2022 và lần thứ 2 là Gạo Japonica vào tháng 10.
Nâng cao giá trị hạt gạo từ quy trình sản xuất xanh - sạch
Theo ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, trong xu hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính thì nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch không còn là lựa chọn, mà đã đến lúc trở thành mục tiêu cần hướng đến.
"Hiện Việt Nam vẫn chưa áp tiêu chuẩn, chỉ số, hạn mức phát thải cho ngành lúa gạo, nhưng tương lai sẽ có. Vì thế, nếu doanh nghiệp vẫn muốn ở lại đường đua thì phải tính từ bây giờ. Rõ ràng, muốn tận dụng tốt cơ hội thì các doanh nghiệp cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam phải có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế quốc tế. Đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc, sản xuất sạch, xanh, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…
Đến một lúc nào đó, các thị trường truyền thống cũng không thể đứng ngoài xu thế chung của thị trường liên quan đến khí thải carbon. Nếu sản phẩm không xanh, không sạch thì có thể xuất khẩu đi đâu? Đây là những điều kiện bắt buộc mà nếu không thay đổi thì những cơ hội cũng sẽ không còn giá trị", ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long chia sẻ.
Lấy ví dụ từ một mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp do Tập đoàn Tân Long thực hiện trong vụ thu đông vừa qua tại vùng nguyên liệu thuộc tỉnh Kiên Giang. Tổng kết mùa vụ, anh Đoàn Trung Hiếu - Phó Giám đốc HTX Phú Nông Xanh cho biết, so sánh với các phương pháp truyền thống, mô hình này tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng/ha.
Mô hình đã áp dụng phương pháp sạ cụm, giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 120 kg/ha xuống còn 70-80kg/ha. Việc gieo sạ cụm khiến cho lúa không bị gãy đổ, dù đang là vụ hè thu và thời tiết mưa bão. Mặt ruộng được san phẳng bằng tia laser, cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi và quản lý nước và các hiện tượng diễn ra trên đồng ruộng giúp giảm được nước, chi phí sản xuất.
Các chuyên gia đồng hành cũng chia sẻ, việc thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp nhằm hướng đến hai mục tiêu. Thứ nhất là áp dụng các quy trình kỹ thuật mới để giảm chi phí, tăng năng suất, tăng giá trị để tăng thu nhập cho nông dân. Thứ hai là thông qua việc giảm giống, thuốc trừ sâu, nước tưới sẽ giảm được ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế.
Tập đoàn Tân Long là một trong những doanh nghiệp tham gia tích cực vào các dự án đóng góp trực tiếp cho đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao. Tham gia vào dự án, Tân Long dần mở rộng các vùng nguyên liệu canh tác lúa gạo chất lượng cao; đồng thời với nâng cao năng lực xử lý sau thu hoạch và toàn bộ quy trình nhập, sấy, xay, sản xuất, đóng túi gạo tại nhà máy.
Hiện nay, Tân Long sở hữu hệ thống nhiều nhà máy gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhà máy gạo Hạnh Phúc (An Giang) quy mô hàng đầu Việt Nam, đang áp dụng công nghệ trữ bằng kho lạnh giúp hạt gạo kéo dài thời gian bảo quản tự nhiên.