Bệnh nhân này được bác sĩ ở Mỹ chẩn đoán bệnh mạch vành, chỉ định can thiệp, song ông chỉ uống thuốc theo toa và tái khám định kỳ nên không hết hẳn triệu chứng. Dịp về Việt Nam, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị. Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, cho biết người bệnh có dấu hiệu điển hình của bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ba nhánh mạch vành với động mạch mũ tắc hoàn toàn, động mạch liên thất trước và động mạch vành phải hẹp nặng (hơn 90%), vôi hóa nhiều. "Nếu không nhanh chóng can thiệp mở rộng lòng mạch, nguy cơ cao bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đột tử", bác sĩ Vinh nói.
Cùng điều trị cho bệnh nhân, GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá hệ mạch máu nuôi tim của bệnh nhân hẹp đoạn dài kèm vôi hóa, dự kiến quá trình nong mạch đặt stent phức tạp. Nếu nong cùng lúc ba nhánh mạch vành trong một thủ thuật thì phải sử dụng lượng cản quang lớn, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Vì thế, êkíp can thiệp hai lần.
Ở lần can thiệp đầu tiên, êkíp xử lý nhánh mạch vành phải tắc hoàn toàn mạn tính. Nếu không làm sạch mảng vôi hóa thì khi đưa stent vào lòng mạch sẽ khó, stent không qua được chỗ hẹp, dễ tuột ra khỏi bóng hoặc không nở trọn vẹn, gây tái hẹp sau can thiệp, giáo sư Nhân lý giải.
Giáo sư Nhân dùng mũi khoan kim cương (Rotablator) "siêu nhỏ, siêu sắc" để tán mịn mảng xơ vữa, giúp đặt ba stent nối tiếp nhau, tái thông nhánh mạch vành phải. Nhờ kỹ thuật khoan cắt mảng xơ vữa bằng mũi khoan kim cương trong lòng động mạch, nhiều trường hợp mạch máu tim hẹp nặng do xơ vữa có thể can thiệp ít xâm lấn bằng kỹ thuật đặt stent thay vì phẫu thuật bắc cầu. Mũi khoan phủ kim cương có đường kính 1.25-2 mm, được đưa vào động mạch vành qua một dây dẫn nhỏ để cắt vụn các mảng xơ vữa bị vôi hóa tốc độ quay lên đến 180.000 vòng/phút.
Sau khi bị cắt vụn, các vi hạt này bị đại thực bào trong máu tiêu hủy. Lòng động mạch vành sẽ trơn, nhẵn, giúp bác sĩ nong bóng và đặt stent động mạch vành thuận lợi. Đây là phương pháp tiên tiến trong điều trị hẹp mạch vành do vôi hóa, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, hẹp lan tỏa nhiều nhánh và nhiều vị trí...
Một tuần sau, người bệnh được can thiệp lần thứ hai. Êkíp đặt một stent nong rộng nhánh mạch vành mũ và một stent mở rộng động mạch liên thất trước. Sau can thiệp ghi nhận stent nở đều dọc theo mạch máu, dòng chảy tốt. Cả hai ca can thiệp có sự hỗ trợ của hệ thống chụp cắt lớp kết quang nội mạch (OCT), giúp bác sĩ chọn stent có kích thước phù hợp, kiểm tra stent có được đặt tối ưu hay chưa, phòng ngừa tái hẹp.
Bệnh nhân xuất viện hai ngày sau trong trạng thái khỏe mạnh, được kê toa thuốc huyết áp, giảm cholesterol máu, kháng kết tập tiểu cầu, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp.
Theo bác sĩ Vinh, bệnh mạch vành phổ biến ở người lớn tuổi và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh gây biến chứng nguy hiểm như đột tử, suy tim, rối loạn nhịp tim nếu không được phát hiện, điều trị sớm.
Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch gây bệnh mạch vành bao gồm tuổi tác, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ít vận động, thừa cân béo phì, hút thuốc lá, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thận mạn... Để phòng ngừa, mỗi người cần duy trì chế độ ăn có lợi cho sức khỏe tim mạch, hoạt động thể lực thường xuyên, ngủ đủ giấc (7-9 giờ mỗi đêm), giảm căng thẳng, hạn chế rượu bia, tránh hút thuốc, giữ cân nặng ổn định. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường như đau ngực, mệt khi gắng sức, khó thở, choáng váng, vã mồ hôi..., người bệnh cần đi khám sớm.
Thu Hà
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |