Mở cửa phiên giao dịch sáng 28/7, dòng tiền nhanh chóng đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, qua đó kéo đa số cổ phiếu tăng giá. Chỉ số VN-Index tăng mạnh dần từ đầu giờ sáng tới cuối buổi sáng, từ mức tăng vài điểm tới tăng hơn 21 điểm.
Tới 11h11 sáng 28/7, VN-Index tăng 21,66 điểm (1,4%) lên gần 1.553 điểm. Đây là mức cao kỷ lục mới.
Chốt phiên sáng 28/7, VN-Index tăng 18,93 điểm (+1,24%) lên gần 1.550,06 điểm.
Vào cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.528 điểm ghi nhận hồi tháng 1/2022 (theo chỉ số đóng cửa) và chỉ thấp hơn mức 1.535 điểm - mức kỷ lục ghi nhận trong phiên hồi tháng 1/2022.
Các cổ phiếu trụ cột đa số tăng mạnh. Cổ phiếu Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) tăng gần kịch trần lên 16.000 đồng/cp với khối ngoại mua ròng khoảng 12,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng mạnh 2.100 đồng lên 77.900 đồng/cp. Cổ phiếu VietJet (VJC) tiếp tục tăng mạnh thêm 6.800 đồng lên 128.700 đồng/cp.
Cổ phiếu “họ Gelex” đồng loạt bứt phá, thị trường bao trùm tâm lý hưng phấn lan tỏa.
Dòng tiền cũng lan tỏa từ nhóm vốn hóa lớn sang các cổ phiếu vừa và nhỏ, và cả nhóm đầu cơ. Tính chung trên toàn thị trường có 293 cổ phiếu tăng giá, trong đó có 19 mã tăng trần, chỉ có 107 mã giảm giá.
Nhìn chung, các nhóm cổ phiếu diễn biến tích cực vẫn là các nhóm chứng khoán, ngân hàng và bất động sản. Rất nhiều mã ngân hàng thiết lập các kỷ lục mới về giá, như các cổ phiếu Techcombank (TCB), Vietinbank (CTG), VPBank (VPB), MBBank (MBB), LPBank (LPB), Hdbank (HDB), Sacombank (STB),...
VN-Index lập đỉnh lịch sử, vươt 1.550 điểm. Ảnh: HH
Sáng 28/7, sức mạnh của đa số các cổ phiếu đã giúp bù đắp một số mã giảm giá như: Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Thế Giới Di Động (MWG), Petrolimex (PLX)…
Thanh khoản tăng đột biến lên 25,5 nghìn tỷ đồng chỉ trong buổi sáng trên sàn HoSE.
Mặc dù VN-Index lên đỉnh lịch sử nhưng nhiều cổ phiếu vẫn chưa về thời hoàng kim như Vinamilk (VNM). Cổ phiếu Novaland (NVL) thậm chí chỉ bằng 1/5 so với đỉnh cũ.
Có nhiều yếu tố giúp thị trường chứng khoán tăng vọt lên đỉnh lịch sử. Đó là vĩ mô ổn định, kinh tế có mức tăng trưởng cao. Chính phủ tiếp tục đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 2025 từ 8,3%-8,5%.
Kế đó là cung tiền và tăng trưởng tín dụng đều tăng cao. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm gần 10%, mục tiêu 2025 là 16% thậm chí có thể lên đến 18%-20%. Bên cạnh đó, lãi suất vẫn ở mức thấp, Chính phủ duy trì chính sách nới lỏng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Chính sách tài khóa cũng mở rộng với việc đẩy mạnh đầu tư công, quyết tâm thực hiện giải ngân đầu tư 100% kế hoạch trong 2025.
Ngoài vĩ mô hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán thì khả năng cao đến tháng 9 năm nay, chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của FTSE. Đây là một nỗ lực quan trọng của Chính phủ, nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế. Khi đó chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn nước ngoài khá tốt. Minh chứng cho điều đó là nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng mạnh trong 3 tuần trở lại đây.
Nhóm ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận khá tốt. Nhóm bất động sản năm ngoái gặp nhiều khó khăn, năm nay đã tốt hơn.
Masan (MSN) do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch sáng 28/7 báo cáo lợi nhuận 2 quý đầu năm hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2025 nhờ nền tảng tiêu dùng - bán lẻ - công nghệ. Mảng thịt và bán lẻ tăng trưởng tốt, hỗ trợ mảng tiêu dùng trong nửa đầu năm.
Sức mạnh của dòng tiền đổ vào cổ phiếu Việt cũng được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực trên thị trường quốc tế. Chứng khoán Mỹ tăng 5 phiên trong tuần qua, liên tục lập kỷ lục mới.