“Sếp em mua hóa đơn để thanh toán cho những khoản chi phí mua ngoài. Như vậy có rủi ro không?.
Công ty mình đội sale đi mua vật dụng hoặc công tác phí… chuyên mua hóa đơn để đắp hồ sơ thanh toán.
Nhiều lúc sale mua hóa đơn đắp hồ sơ thanh toán, kế toán cũng bó tay. Lên thuế giải trình xịt keo luôn.
Lúc trước kiểm tra thì thấy ok vì nhà cung cấp hóa đơn vẫn đang hoạt động, mấy năm sau họ bỏ địa chỉ, giờ thuế quyết toán bắt loại bỏ hóa đơn và phạt, giải trình với nhân viên thuế rất vất vả'.
Loạt ý kiến của các doanh nghiệp tham gia hội thảo về rủi ro tài chính – kế toán do MISA tổ chức chiều 19/11 cho thấy không ít doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức rõ rủi ro tiềm ẩn của việc mua bán hóa đơn.
15 năm hoạt động trong lĩnh vực kế toán, thuế, bà Đinh Thị Huyền, Giám đốc CTCP Tư vấn thuế Savitax chứng kiến khá nhiều trường hợp đáng tiếc.
“Vừa rồi có công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp đặt thang máy, khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện lượng hóa đơn rủi ro khá nhiều. Anh giám đốc cho biết, công ty ở TPHCM, giai đoạn 2020-2021 làm công trình ở Hà Nội bắt buộc phải thuê 1 đội nhóm cá nhân ở Hà Nội thực hiện một số phần việc nhỏ. Nhóm này không có pháp nhân công ty nên không thể xuất hóa đơn, đã lấy hóa đơn từ công ty khác gửi về để thanh toán. Hiện giám đốc không thể liên hệ được với các cộng tác viên đó, không biết cơ sở xuất hóa đơn thực sự là doanh nghiệp nào. Trong khi đúng là chi phí thực tế phát sinh tại doanh nghiệp”, bà Huyền kể.
Trường hợp khá phổ biến khác theo bà Huyền, đội kinh doanh đi làm ở bên ngoài, mua hàng giá rẻ không hóa đơn chứng từ, sau đó đi mua hóa đơn của đơn vị khác mang về đưa cho phòng kế toán thanh toán. Nếu không có công cụ kiểm soát hóa đơn, kế toán khó nhận biết hóa đơn này có phải của đường dây mua bán hóa đơn hay không.
Cần lưu ý, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp quá lớn, lực lượng cán bộ thuế lại mỏng, không ít doanh nghiệp phải đợi 5-7 năm mới được gọi lên quyết toán thuế. Mới đây, có doanh nghiệp vừa nhận thông báo của cơ quan thuế yêu cầu chuẩn bị hồ sơ từ năm 2019 đến năm 2023.
Chỉ tới khi cơ quan thuế vào cuộc, nhiều doanh nghiệp mới “ngã ngửa” khi biết mình sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, nhiều hệ lụy dồn dập. Bên cạnh việc không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng do hóa đơn không hợp lệ, doanh nghiệp còn bị phạt, phải bù tiền để đóng cho các khoản liên quan tới hóa đơn không hợp lệ này.
“Từ cuối năm 2023 đến giờ, cơ quan thuế ban hành cả loạt công văn về việc công ty sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, rất nhiều kế toán doanh nghiệp phải đi giải trình. Không ít chủ doanh nghiệp phải trả bằng rất nhiều tiền để xử lý hóa đơn bất hợp pháp đã sử dụng trong quá trình hạch toán. Rất đau lòng khi có kế toán dính vòng lao lý khi xử lý hóa đơn cho doanh nghiệp”, bà Huyền chia sẻ.
Khi vẫn còn không ít doanh nghiệp sống bằng nghề mua bán hóa đơn, có thể họ chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, để giảm rủi ro quyết toán thuế sau này, bà Huyền khuyến nghị doanh nghiệp kiểm soát kỹ hóa đơn đầu vào.
Doanh nghiệp có thể kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn bằng cách tra cứu qua website cơ quan thuế, đối chiếu danh sách doanh nghiệp rủi ro về hóa đơn do Tổng cục Thuế công bố; hoặc sử dụng phần mềm xử lý hóa đơn đầu vào có tính năng cảnh báo rủi ro hóa đơn.
Theo quy định hiện hành, hóa đơn, chứng từ không hợp lệ gồm: Bị tẩy xóa, sửa chữa làm mất tính xác thực; Không đúng mẫu theo quy định, không có chữ ký, dấu của người bán; Không đủ thông tin người mua, người bán, mặt hàng, số lượng, đơn giá…; Hóa đơn khống, không có giao dịch thực tế. |