Theo dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi đang được lấy ý kiến, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm bổ sung và nhóm có nguy cơ cao bắt buộc áp dụng một trong các tiêu chuẩn quốc tế.
Đó là tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thực phẩm, nguyên liệu làm thực phẩm (GMP); Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP); Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO; Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS); Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC); Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC) hoặc tương đương.
Toàn bộ quy trình từ địa điểm sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, hệ thống phụ trợ, thiết bị máy móc, kiểm tra chất lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đều phải đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn đã lựa chọn. Đây là điểm mới so với luật hiện hành.
Cơ quan soạn thảo cho rằng Luật An toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2010, khi nhận thức về thực phẩm chức năng còn hạn chế, hệ thống quản lý chưa kiểm soát được chất lượng nhóm sản phẩm này trong quá trình sản xuất và lưu thông trên thị trường.
Hiện chưa có quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt hay sản phẩm cho trẻ nhỏ phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, dù đây là nhóm có nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh và trẻ em - nhóm cần được bảo vệ chặt chẽ hơn.
Bổ sung quy định truy xuất nguồn gốc và kiểm soát quảng cáo
Dự thảo lần này đề xuất bắt buộc đăng ký lưu hành đối với các sản phẩm nguy cơ cao và trung bình. Chủ sở hữu số đăng ký phải chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất, nhập khẩu đến lưu thông. Ngoài ra, thực phẩm và nguyên liệu làm thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến sẽ được phân loại thành ba nhóm nguy cơ: cao, trung bình và thấp. Các bộ liên quan sẽ quy định nguyên tắc và tiêu chí phân loại để áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm tra tương ứng.
Dự luật cũng bổ sung quyền truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Theo Điều 36, việc truy xuất được thực hiện không chỉ khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý hoặc khi phát hiện sản phẩm không an toàn, mà còn khi người tiêu dùng có nhu cầu. So với luật hiện hành, đây là mở rộng đáng kể về quyền tiếp cận thông tin và công cụ giám sát của người dân.
Liên quan đến hoạt động quảng cáo, dự thảo nghiêm cấm các hành vi như quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn; sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên gọi của cơ sở y tế, nhân viên y tế, người bệnh hoặc lời nói, bài viết của bác sĩ, dược sĩ để quảng bá thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi khi sử dụng người có ảnh hưởng để quảng cáo cũng buộc phải công khai mối quan hệ tài trợ.
Dự án Luật An toàn thực phẩm sửa đổi dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.
Sơn Hà