Thông tin được bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tại cuộc họp hội đồng tư vấn và thực hiện đề tài khoa học: “Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật” hôm 24/7.
Giá nhà tăng nhanh, đẩy gánh nặng tài chính lên người lao động
Đánh giá về thực trạng thị trường bất động sản, TS Luật sư Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Tập đoàn CEO - Chủ nhiệm đề tài, cho biết, tình trạng khan hiếm nhà ở vừa túi tiền diễn ra tại hầu hết nền kinh tế lớn do nguồn cung thấp hơn nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu từ người mua nhà lần đầu.
“Giá mua và thuê nhà tăng nhanh, thậm chí trên 4-5% mỗi năm, đang đẩy gánh nặng tài chính lên tầng lớp trung lưu và lao động. Thế hệ Millennials và Gen Z phải chi trả tỷ lệ cao hơn thu nhập cho nhà ở, làm giảm khả năng tích lũy tài sản và gia tăng mức độ bất mãn trong xã hội”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, có hàng loạt thách thức lớn đang cản trở việc phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền. Từ sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung do các dự án nhà ở chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý, ngân sách hạn chế, gây khủng hoảng cung - cầu kéo dài... đến chi phí xây dựng và vật liệu tăng.
Hệ thống pháp luật với nhiều vướng mắc, từ tiêu chuẩn, quy chuẩn đến quy hoạch, thủ tục khắt khe, đang khiến chi phí đội lên thêm 40-50%.
Giá mua và thuê nhà tăng nhanh, thậm chí vượt 4-5% mỗi năm. Ảnh: Hồng Khanh
Vị này cũng nhấn mạnh một thách thức khác là thị trường nhà ở ngày càng bị tài chính hóa, với sự tham gia của các quỹ đầu tư như các quỹ về bất động sản (REITs). Họ mua vào số lượng lớn nhà cho thuê, đẩy giá thuê tăng và làm thu hẹp dần cơ hội sở hữu nhà ở xã hội.
Riêng Việt Nam, ông Bình cho biết, giá vật liệu xây dựng đã tăng khoảng 10%, giá nhân công tăng khoảng 15%.
“Nguy cơ thiếu hụt nhân công xây dựng là hiện hữu khi hàng loạt dự án đầu tư công và các dự án lớn được tháo gỡ pháp lý đang bước vào giai đoạn thi công, khiến nhu cầu lao động tăng mạnh. Điều này trực tiếp tác động đến chi phí đầu tư, khiến giá nhà tiếp tục xu hướng tăng”, ông Bình phân tích.
Giải bài toán kiểm soát giá nhà
GS TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nêu thực tế là giá bất động sản Việt Nam cao vì cung chưa gặp cầu.
“Tại sao giá nhà ở lại cao đến thế, sau 10 năm giá nhà ở xã hội đã tăng gấp đôi? Tôi cho rằng, đó là do chưa có giá trần với nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Ngoài ra, chi phí đất đai khá cao cũng khiến giá bất động sản tăng mạnh, nhất là khi bảng giá đất ngày càng tiệm cận giá thị trường”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, để giải quyết bài toán nhà ở vừa túi tiền, cần xử lý hai vấn đề là giá nhà phải thấp và "túi tiền phải to", tức là cả vấn đề thu nhập của người dân.
TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng, Nhà nước cần điều tiết chính sách đất đai thông qua kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Cùng với đó, điều tiết nguồn tài chính cho thị trường bất động sản thông qua công cụ thuế và tín dụng.
Ngoài ra, cần cải cách thủ tục hành chính, cụ thể là thủ tục đầu tư. Hiện nay, thủ tục đầu tư phức tạp có thể gây khó khăn và mất thời gian cho doanh nghiệp.
“Đặc biệt, cần chú trọng đến vấn đề kiểm soát giá. Tôi đề xuất bổ sung yếu tố quan trọng này vào đề tài nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hơn, tránh bị động khi giá cả và chi phí xây dựng biến động”, ông Khôi nhấn mạnh. Ông cũng kiến nghị cho phép điều chỉnh giá khi có biến động lớn, đồng thời xác định rõ ngưỡng biến động được phép điều chỉnh.
Theo bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), việc phát triển nhà ở vừa túi tiền cần có sự can thiệp của Nhà nước.
Trong đề án quy hoạch chung mới đây, Chính phủ đã xác định các khu vực phù hợp để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ. Với các công cụ quản lý của Nhà nước, hoàn toàn có thể kiểm soát chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch và giá bán - bao gồm cả giá vật liệu, giá nhân công...
“Mục tiêu cuối cùng là kiểm soát được thị trường bất động sản, chứ không chỉ dừng lại ở việc khống chế giá bán trên thị trường sơ cấp. Có nghĩa là cả thị trường thứ cấp cũng cần được quan tâm để đảm bảo sự điều tiết hợp lý. Bên cạnh chính sách về quy hoạch và giá bán, cần xem xét kỹ đối tượng thụ hưởng của loại hình nhà ở này”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cảnh báo sắp có biến động lớn về giá đất
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sắp tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, dự kiến sẽ có sự biến động lớn về mức giá được điều chỉnh.
Phó Cục trưởng nói sự thực giá nhà: Mua nhà 3 đến 4 tỷ, người trẻ cần tích cóp 20-25 năm
"Để mua được một căn nhà trung bình (70m2, giá bán 3-4 tỷ đồng) tại các đô thị lớn, người trẻ cần tới 20 - 25 năm thu nhập", Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nói thẳng.