Dịch vụ số phát triển
Ở huyện Cư M’gar, hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 17/17 xã, thị trấn; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt 98%. Toàn huyện có 17/17 điểm bưu chính có kết nối Internet và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, việc tiếp cận thông tin, chính sách, cơ chế, trải nghiệm các dịch vụ số trên địa bàn trở nên phổ biến hơn.
Cùng với đó, 171/171 tổ công nghệ số cộng đồng "phủ" toàn bộ các thôn, buôn, tổ dân phố trong huyện đã góp phần đưa các nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình nhanh và hiệu quả. Chị Võ Thị Thi (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chia sẻ, sở hữu chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, mọi sinh hoạt và công việc của chị trở nên rất thuận lợi. Chị có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng các ứng dụng số, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, bán hàng trên các nền tảng số.
Người dân xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) đăng ký thực hiện thủ tục hành chính bằng điện thoại thông minh. Đáng chú ý, trong công tác quản lý, khám chữa bệnh, ngành y tế huyện Cư M'gar đã triển khai sử dụng hiệu quả Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hệ thống khám chữa bệnh từ xa và phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”...
Đối với các ngành chức năng của tỉnh, việc đẩy mạnh chuyển đổi số được quan tâm đầu tư thực hiện, mang lại những chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý, điều hành. Chẳng hạn, tham gia sâu vào chuyển đổi số đã giúp ngành giáo dục của tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay đã có 100% cơ sở giáo dục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý. Học bạ số đã được 100% cơ sở giáo dục triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, quản lý hồ sơ, tăng tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý. Ngành cũng triển khai có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, phần mềm quản lý trường học, sử dụng mã định danh cá nhân làm tài khoản đăng nhập hệ thống trên các nền tảng số, bảo đảm làm giàu dữ liệu dân cư, kết nối khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho công tác đăng ký, xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng…
Việc tích hợp công nghệ vào mọi mặt của đời sống đã làm thay đổi nhiều khía cạnh của tổ chức xã hội, kinh tế cho đến người dân. Đây là động lực chính để thúc đẩy phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số trên địa bàn.
Đầu tư hạ tầng, nâng cao nhận thức số
Để tạo điều kiện cho xã hội số phát triển, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các đơn vị viễn thông đẩy mạnh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng, tăng tỷ lệ người dân được sử dụng Internet, tặng điện thoại thông minh cho người dân, nhất là ở vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh… Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai đường Internet cáp quang đến 100% các hộ gia đình. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 61.100 cáp quang trục, gia tăng gần 350 km cáp quang so với ngày 31/12/2023; 100% các xã được phủ sóng di động. Tổng thuê bao điện thoại di động, cố định trên địa bàn tỉnh đạt trên 2 triệu thuê bao; thuê bao Internet (cáp quang, di động 4G, 5G) đạt trên 1,7 triệu thuê bao; độ phủ sóng di động trên dân số đạt 100%; số lượng người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt hơn 1,4 triệu thuê bao; tỷ lệ hộ gia đình có máy tính đạt trên 80%…
Người dân được hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thủ tục về đổi giấy phép lái xe. Thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng xã hội số, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng bảo đảm phục vụ việc ứng dụng chuyển đổi số thì nhận thức số đóng vai trò then chốt. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số, chia sẻ các mô hình, sáng kiến, cách làm hay về chuyển đổi số, thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng và hoạt động tích cực ở các địa phương … đã làm thay đổi thói quen từ môi trường thực sang môi trường số, góp phần nâng cao kỹ năng số cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của một số cán bộ, công chức, viên chức, người dân về chuyển đổi số còn hạn chế khiến việc triển khai các nội dung về chuyển đổi số của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ĐỖ LAN (Báo Đắk Lắk)