Tối 21/12, Bộ Quốc phòng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật mang tên Con đường lịch sử nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024); 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).
Trong gần 2 giờ, chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng trên sân khấu rộng của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, kết hợp những phóng sự ngắn, hoạt cảnh, trò chuyện, tiết mục ca múa nhạc và trình chiếu 3D mapping, qua đó khắc họa hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đó là hành trình không chỉ của máu, nước mắt, mà còn là niềm tin của sự hy sinh vì một Việt Nam hòa bình, thống nhất và phát triển.
Già làng Ksor H'Lâm từ làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai ra Hà Nội để dự chương trình Con đường lịch sử.
Bà Ksor H'Lâm là nữ già làng đầu tiên của vùng biên giới, năm nay tròn 80 tuổi. Bà nói "dân nói ai có uy tín, có khả năng làm được và hiểu dân làng thì bầu".
Nữ già làng cũng chia sẻ bí quyết để giữ bản làng bình yên là "phổ biến tình hình an ninh trật tự cho dân, có khách lạ mặt phải tới báo cho biên phòng, chính quyền biết".
Đến tham dự sự kiện, già làng mang theo gùi đựng khoai, sắn, bắp, vải thổ cẩm... Bà nói: "Dân làng muốn tặng bộ đội tấm lòng của người dân".
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - lên sân khấu trao Huy hiệu 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tới Già làng Ksor H'Lâm, hình ảnh này gây xúc động cho khán giả.
Ở hậu trường, già làng Ksor H'Lâm đã tặng Đại tướng Phan Văn Giang chiếc gùi mang từ quê hương mình.
Với sự tham gia của gần 3.000 diễn viên chuyên nghiệp và các chiến sĩ đại diện các lực lượng Hải quân, Lục quân, Không quân, Đặc công, Biên phòng, cùng với khối lượng lớn vũ khí, khí tài, đạo cụ… chương trình là dịp đặc biệt để người dân cả nước cùng tự hào nhìn lại chặng đường vẻ vang của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Nhạc kịch là một điểm nhấn nghệ thuật của chương trình. Nhân vật em bé Hồng, dựa trên hình tượng nhân vật trong hồi ký Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được chọn làm hình tượng nghệ thuật xuyên suốt.
Hoạt cảnh Đất nước chưa trọn niềm vui đem tới nhiều cảm xúc cho người xem. Trong không khí hân hoan của ngày chiến thắng, có những người con, người cha đã không bao giờ có cơ hội được trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng sự hy sinh của các anh đã làm nên chiến thắng của cả dân tộc.
Bên cạnh đó, những câu chuyện có thật về đám cưới trên hầm Đờ-cát của cặp vợ chồng nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản và Đại đoàn phó Đại đoàn Quân tiên phong Cao Văn Khánh; những bức thư cho người ở lại, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cứu trợ đồng bào trong bão lũ... được lấy làm nguồn cảm hứng sáng tạo, thể hiện trọn vẹn hình ảnh đẹp, đầy tự hào về người chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ.
Các màn trình diễn âm nhạc và nghệ thuật được dàn dựng công phu đã tái hiện những Con đường lịch sử - biểu tượng của máu, hoa và ý chí chiến thắng, góp phần khẳng định giá trị lịch sử hào hùng và con đường tiến lên xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới.