Cuộc dội bom khiến 64 giáo viên, học sinh tử nạn hơn 50 năm trước

Giữa tháng 6/1972, khi hơn 2.000 dân công đang gia cố bờ đê sông Mã ở thị xã Thanh Hóa thì máy bay Mỹ ném bom khiến 64 người mãi mãi nằm xuống.


Năm 1964, quân đội Mỹ dùng tàu khu trục Maddox khiêu khích hải quân Việt Nam, dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" với ý đồ lấy cớ leo thang tấn công miền Bắc. Mục đích chính là cắt đứt sự chi viện cho chiến trường miền Nam.


Ngày 13/2/1965, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson phê chuẩn kế hoạch "Sấm rền" ném bom miền Bắc đến vĩ tuyến 19. Cầu Hàm Rồng nối hai bờ sông Mã nằm ở vị trí chiến lược trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1, được coi là một trong số "60 điểm tắc", là "đầu mút của khu vực cán xoong" nên quân đội Mỹ sớm liệt vào danh sách triệt hạ.


Bắt đầu bằng trận đánh ngày 3/4/1965, kéo dài đến khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, không quân Mỹ đã thực hiện hàng trăm cuộc tập kích vào mặt trận Hàm Rồng - Nam Ngạn. Hàng chục nghìn tấn bom đã được quân đội Mỹ trút xuống mảnh đất này. Và trận mưa bom mùa hè năm 1972 được coi là "ngày đẫm máu nhất" ở tọa độ lửa Hàm Rồng.


Nằm ở khu vực được ví như "túi bom" khiến bờ đê sông Mã quanh Hàm Rồng thường xuyên bị hỏa lực Mỹ tàn phá nặng nề. Mùa mưa năm 1972, nước sông dâng cao, trong khi trước đó mấy tháng không quân Mỹ đã bắn phá cầu Hàm Rồng làm một đoạn đê phía bờ hữu bị phá hủy nghiêm trọng. Trước nguy cơ vỡ đê gây ngập lụt khắp thị xã Thanh Hóa và vùng phụ cận, chính quyền tỉnh Thanh Hóa phải huy động lực lượng, khẩn cấp bồi đắp đoạn đê xung yếu kéo dài hơn một km từ làng Nam Ngạn đến chân cầu Hàm Rồng.


Lực lượng tham gia đắp đê lúc đó có hơn 2.000 người, chủ yếu là giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn huyện Đông Sơn và thị xã Thanh Hóa như trường Y sĩ, trường Sư phạm 7+3 và một số trường khác do học sinh đang trong kỳ nghỉ hè. Những người được chọn lựa đều là lao động giỏi, sức khỏe dẻo dai.


Ông Lê Chí Phan, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, được giao chỉ huy 1.000 dân công của huyện tham gia đắp đê Hàm Rồng năm đó. Ông kể lúc đầu quy định làm việc từ 19h hôm trước đến 6h hôm sau nhằm giữ bí mật. Khung giờ như thế cũng sẽ bảo đảm không bị máy bay phục kích, song lại cản trở các đoàn xe vận chuyển hàng vào tiền tuyến. Vì thế Ban Chỉ huy công trường quyết định chuyển sang làm ban ngày, từ 5h đến 8h.


Riêng ngày 14/6/1972, do yêu cầu của đa số dân công muốn được ăn Tết Đoan Ngọ vào hôm sau nên Ban Chỉ huy đồng ý cho làm thêm một giờ nữa để cùng nghỉ. "Mỗi người được thông báo sẽ nhận bồi dưỡng ba lạng thịt nên không khí làm việc rất phấn khởi, hăng say...", ông Phan kể. Tuy nhiên, không ai ngờ đó chính là buổi sáng cướp đi sinh mạng của rất nhiều thanh niên.


"Khoảng 9h, dồn dập máy bay Mỹ từ cửa biển lao thẳng về phía cầu Hàm Rồng rồi điên cuồng dội bom", nhân chứng Lê Duy Bé, 77 tuổi, ở phường Hàm Rồng kể. Ông Bé khi đó 24 tuổi, đang là học sinh năm nhất trường Cảnh sát nhân dân Trung ương thì được điều động ra tăng cường làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại cầu phao Hàm Rồng. Sáng 14/6, trời Hàm Rồng trong xanh, ông Bé sau khi hoàn thành ca đêm thì về nghỉ ngơi ở khu lán của đơn vị đặt tại làng Nam Ngạn.


Vừa chợp mắt được ít phút, ông nghe tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. "Trong khoảng 10 phút, tiếng đạn bom như xé toạc bầu trời. Khói lửa nghi ngút khắp một vùng...", ông Bé hồi tưởng.


Sau ít phút nằm im chờ máy bay Mỹ rút lui, ông Bé vùng chạy ra phía bờ đê, chứng kiến xác người nằm ngổn ngang. "Có người nằm ngửa, người nằm nghiêng, có người mất tay, cụt chân. Số khác có khi chỉ còn lai quần hoặc vài miếng vải dính trên người. Hầu hết là các cô gái. Cảnh tượng rất đau thương...", cựu binh Bé kể. Trong số dân công đắp đê hôm ấy cô giáo Dương Thị Hòa, người ông Bé thầm thương trộm nhớ.


Ông Bé cùng đồng đội hối hả bế những người bị thương lên xe tải chở đi cấp cứu. Cuộc cứu thương của nhiều lực lượng kéo dài đến 14h cùng ngày mới kết thúc. Những dân công hy sinh trên công trường được khâm liệm tại chỗ rồi chở đến nghĩa trang Chợ Nhàng an táng. Quan tài xếp thành từng dãy dài trên đê.


Sau một ngày miệt mài tải thương, ông Bé mới tất tả đi ngóng tin tức của người thương và vỡ òa khi biết bà Hòa còn sống, đang trú ngụ trong hang núi ở Hàm Rồng cùng gia đình. Bà Hòa may mắn thoát nạn do vừa đổi vị trí đắp đê cho thầy hiệu trưởng trường cấp 2 Hàm Rồng - Lương Trọng Gụ. Ông Gụ hôm đó nằm trong số người hy sinh.


Cuối năm 1972, ông Bé và bà Hòa thành hôn. "Tôi và bạn bè cùng hẹn nhau ăn Tết Đoan ngọ nhưng lời hứa đó mãi mãi không thực hiện được...", bà Hòa nói. Bà không muốn nhắc nhớ đến thời khắc kinh hoàng ấy vì nó ám ảnh vô cùng. Đê sông Mã sau đó tiếp tục được bồi đắp đến tháng 9 thì gia cố xong.


Theo thống kê trận bom thảm sát của không quân Mỹ dưới chân đê Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày 14/6/1972 đã khiến 64 giáo viên, học sinh trường Y sĩ, trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa và dân công Đông Sơn mãi mãi nằm xuống. Có gần 300 người bị thương và 8 người mất tích. Phần lớn người ngã xuống còn rất trẻ.


Người dân Thanh Hóa sau đó lấy ngày mùng 4/5 âm lịch hàng năm là ngày giỗ chung cho các liệt sĩ hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã mùa hè năm 1972. Một tấm bia ghi danh những người nằm xuống và một tượng đài mới được chính quyền TP Thanh Hóa dựng lên ngay tại vị trí cũ để thân nhân và người dân địa phương tưởng nhớ các anh hùng năm xưa.


Lê Hoàng









Cuoc doi bom khien 64 giao vien, hoc sinh tu nan hon 50 nam truoc


Giua thang 6/1972, khi hon 2.000 dan cong dang gia co bo de song Ma o thi xa Thanh Hoa thi may bay My nem bom khien 64 nguoi mai mai nam xuong.

Cuộc dội bom khiến 64 giáo viên, học sinh tử nạn hơn 50 năm trước

Giữa tháng 6/1972, khi hơn 2.000 dân công đang gia cố bờ đê sông Mã ở thị xã Thanh Hóa thì máy bay Mỹ ném bom khiến 64 người mãi mãi nằm xuống.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá