Giữ hơn 522 tỷ đồng tiền mặt
Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm (mã chứng khoán: SCY) vừa công bố báo cáo kinh doanh quý III/2024 với nhiều điểm đáng chú ý. Quý vừa qua công ty này ghi nhận doanh thu hơn 229,2 tỷ đồng, giảm 59,6% so với cùng kỳ năm trước.
Khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 12,4 tỷ đồng, giảm 73% so với quý III năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đóng tàu này đạt 853,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ở mức 56,4 tỷ đồng, giảm gần 3%.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm ở mức 1.447,8 tỷ đồng, giảm 1,2% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn ghi nhận 917,1 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh nghiệp nắm giữ hơn 522,3 tỷ đồng gồm tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Lượng tiền mặt này chiếm hơn 36% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp dành tới 399,5 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn nắm giữ đến ngày đáo hạn. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9 đạt mức 905 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức 112,4 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 619,6 tỷ đồng. Công ty không có nợ vay tài chính.
Một điểm thú vị là công ty này duy trì tỷ lệ tiền mặt khá cao trong vài năm gần đây. Thời điểm cuối năm 2017, công ty này mới chỉ giữ 158,1 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, chưa đầu tư tài chính ngắn hạn. Lượng tiền này chỉ mới chiếm 13% tổng tài sản.
Đến cuối năm 2020, doanh nghiệp đầu tư tài chính ngắn hạn 129 tỷ đồng. Lúc này tỷ lệ các tài sản thanh khoản cao đạt mức 32%. Kể từ đó đến nay, Đóng tàu Sông Cấm nắm giữ tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 21-38% so với tổng tài sản.
Tiền thân là một xưởng nhỏ của ông Bạch Thái Bưởi
Tiền thân Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm là một xưởng nhỏ của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi. Vào những năm 1950 do không cạnh tranh được với tư bản nước ngoài nên doanh nhân Bạch Thái Bưởi bị phá sản phải nhượng lại xưởng cho chủ tư sản người Pháp.
Đến ngày 13/5/1955, khi chủ người Pháp rút lui, một số thương nhân Việt Nam đã hùn vốn mua lại xưởng, để sản xuất phụ tùng xe đạp, máy làm ngói, đóng sà lan 30T bằng công nghệ tán đinh rivê và đặt tên xưởng là Hải phòng cơ khí Công ty.
Đến năm 1959, công ty này được đổi thành xí nghiệp Hải Phòng cơ khí chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp. Tháng 3/1961, Cơ khí Hải Phòng được sáp nhập với Xưởng đóng tàu II, chuyển đổi hình thức sở hữu trở thành xí nghiệp quốc doanh mang tên là nhà máy cơ khí Hải Phòng.
Năm 1983, nhà máy cơ khí Hải Phòng được đổi tên là Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm. Năm 2007 thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nhà máy tiến hành cổ phần hóa và từ tháng 4/2008 chính thức trở thành Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm. Công ty mẹ của doanh nghiệp là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), hiện nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC).
Trái ngược tình trạng công ty mẹ liên tục thua lỗ, Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm vẫn kinh doanh khá tốt trong những năm qua. Từ năm 2018 tới nay, lợi nhuận sau thuế của đơn vị liên tục tăng trưởng.
Cuối năm 2023, Chính phủ đã công bố Nghị quyết 220 về kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý SBIC. Trong đó, Công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (Các Công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn) tiến hành nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đối với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm không cho phá sản mà sẽ thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ.
Sở dĩ doanh nghiệp này vẫn kinh doanh tốt là nhờ mối quan hệ hợp tác với Tập đoàn Damen - Hà Lan từ năm 2002. Tháng 3/2002, công ty này ký hợp đồng hợp tác với Damen đóng mới 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển cho chủ đầu tư là Cục hàng hải Việt Nam.
Từ đó đến nay, doanh nghiệp này thực hiện các hợp đồng đóng mới tàu chuyên dụng xuất khẩu cho Tập đoàn Damen. Tính đến tháng 12/2023, công ty đã đóng mới và bàn giao cho phía Damen 350 tàu.