Nam bệnh nhân tên S. (33 tuổi, ngụ TPHCM) ho đờm kéo dài hơn 1 năm. Dù đã điều trị tại một số cơ sở y tế, tình trạng của anh vẫn không cải thiện.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ phát hiện anh S. có tổn thương trên phổi phải và dương tính với vi khuẩn lao. Sau 1 tháng điều trị, người bệnh không còn ho đờm. Kết quả sau 6 tháng dùng thuốc ghi nhận tổn thương phổi cải thiện đáng kể.
Một trường hợp khác cũng bất ngờ phát hiện bệnh lao khi đi khám là anh Q. Người đàn ông này có tiền sử hút thuốc lá 30 gói/năm, vào viện kiểm tra với triệu chứng ho đờm, khó thở và sụt cân nhiều.
Người bệnh sau đó được phát hiện có u tại phổi trái và phải làm phẫu thuật nạo u. Xét nghiệm giải phẫu bệnh cho kết quả đây là u hạt lao.
Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, lây qua đường không khí và thường ảnh hưởng đến phổi. Chỉ khoảng 5-10% người nhiễm vi khuẩn lao phát triển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời.
Hiện nay, lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, Việt Nam có thêm 172.000 ca mắc lao mới, khoảng 13.000 người tử vong do căn bệnh này.
Ở thể nhẹ, các triệu chứng lao thường không đặc trưng và có thể kéo dài trong nhiều tháng như ho, đôi khi có máu; đau ngực; mệt mỏi; sụt cân; sốt; đổ mồ hôi về đêm…
Trong một số trường hợp, bệnh không xuất hiện triệu chứng. Do đó, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các di chứng cũng như giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.
TPHCM: Thêm bé gái 12 tháng tuổi tử vong vì mắc sởi
Số ca mắc sởi tại TPHCM vẫn đang tăng. Đặc biệt, thành phố ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh đã tử vong.
Sau khi ăn gạo tẩm thuốc diệt chuột cực độc, bé trai 13 tuổi ở Kiên Giang được đưa đi cấp cứu vì đau bụng rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên ở TPHCM trong tình trạng nguy kịch.