CNS là lực lượng sản xuất mới của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số của nhân loại

Công nghiệp công nghệ số (CNS) là lõi của kinh tế số. Công nghiệp CNS là một ngành kinh tế, kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước.


Báo VietNamNet giới thiệu toàn văn phát biểu tiếp thu thảo luận tại Hội trường về Luật Công nghiệp công nghệ số của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ngày 30/11/2024.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghiệp công nghệ số là lõi của kinh tế số.

Công nghệ số (CNS) là sự phát triển tiếp theo của CNTT, nhưng có tính cách mạng. CNS sinh ra chuyển đổi số (CĐS). CNS là lực lượng sản xuất mới. Thực sự mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số cho nhân loại. Việt Nam muốn trở thành nước XHCN phát triển có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về CNS, về công nghiệp CNS. Nếu Quốc hội thông qua Luật này trong kỳ họp tới thì Việt Nam sẽ thuộc nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp CNS.


Công nghiệp CNS là một ngành kinh tế, kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Công nghiệp CNS đã được Trung ương Đảng xác định là một ngành công nghiệp nền tảng, để thúc đẩy cuộc cách mạng CĐS. Công nghiệp CNS có quy mô lớn, có doanh thu bằng 1/3 GDP của đất nước. Có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP từ 2-3 lần. Công nghiệp CNS là lõi của kinh tế số, hiện đang chiếm gần 60% tổng giá trị của kinh tế số. Giá trị Việt Nam trong cơ cấu công nghiệp CNS đã tăng từ 21,3% năm 2019 lên 31,8%, tức là đã tăng thêm trên 10% trong vòng 5 năm qua, khi chúng ta phát động chương trình Make in Việt Nam, nghiên cứu, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam và bởi Việt Nam. Công nghiệp CNS là một ngành kinh tế, kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước.


Có lẽ cái quan trọng nhất là phải làm rõ khái niệm CNS, nhất là CNS khác gì so với CNTT. Để phân biệt CNTT và CNS thì chủ yếu là phân biệt đối tượng xử lý của chúng, đó là thông tin và dữ liệu. CNTT thì xử lý thông tin. CNS thì xử lý dữ liệu.


CNTT là số hoá thông tin và xử lý thông tin. Thí dụ như số hoá văn bản và sau đó xử lý trên máy tính. Thông tin là cái có cấu trúc, có ngữ nghĩa, là cái đã được xử lý. Thông tin là cái hữu hạn. Xử lý thông tin không sinh ra giá trị mới, nó liên quan đến tự động hoá nhiều hơn. Thời CNTT thì chưa có các công nghệ để số hoá thế giới thực (chưa có Internet vạn vật), chưa có công nghệ xử lý được dữ liệu lớn, cũng chưa có công nghệ lưu trữ được dữ liệu lớn với giá rẻ, và đặc biệt là chưa có công nghệ xử lý để tìm ra giá trị mới từ cái vô nghĩa là dữ liệu (chưa có trí tuệ nhân tạo).