Quy định mới được Bộ trưởng Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada (IRCC) Marc Miller công bố ngày 15/11 và có hiệu lực ngay. Du học sinh vẫn có thể làm việc không giới hạn trong khuôn viên trường, hoặc bên ngoài trong thời gian nghỉ giữa kỳ.
Theo ông Miller, giới hạn 24 giờ tạo ra sự cân bằng để sinh viên có thể làm thêm mà không ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Trước đây, sinh viên quốc tế được phép làm thêm bên ngoài nhiều nhất 20 giờ mỗi tuần, nếu trong kỳ học. Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch, chính phủ nới thời gian làm việc tối đa lên 40 giờ một tuần, nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động. Chính sách này đã kết thúc vào cuối tháng 4.
Cũng trong thông báo ngày 15/11, IRCC cho biết sinh viên quốc tế không còn được chuyển trường mà không cần nộp đơn xin giấy phép du học mới. Trước đây, họ có thể dùng giấy phép du học cũ, miễn là cập nhật thông tin vào tài khoản trực tuyến IRCC.
"Những thay đổi này nhằm tăng cường tính toàn vẹn của chương trình dành cho sinh viên quốc tế", trích thông báo.
Năm 2023, Canada có hơn một triệu du học sinh, tăng 29% so với 2022, theo dữ liệu của IRCC. Trong số này có hơn 17.000 sinh viên người Việt, xếp thứ 8. Chi phí trung bình của bậc cử nhân khoảng 36.000 CAD (654 triệu đồng) một năm, gồm học phí và sinh hoạt phí.
Từ tháng 10 năm ngoái, nước này liên tiếp siết chính sách với du học sinh, nhằm giảm người nhập cư.
Chẳng hạn, mức chứng minh tài chính được tăng lên hơn 20.600 CAD (15.200 USD), gấp đôi so với yêu cầu 10.000 CAD vốn đã tồn tại hàng chục năm. Ngoài ra, du học sinh thạc sĩ và tiến sĩ phải nộp chứng thực học tập từ tỉnh, bang hoặc vùng lãnh thổ khi xin giấy phép.
Hồi tháng 9, Canada thông báo chỉ cấp 437.000 giấy phép du học trong năm 2025, giảm khoảng 10% so với năm nay. Ứng viên muốn xin giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP) phải nộp thêm chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp bậc B2 trở lên với sinh viên đại học và B1 trở lên đối với sinh viên cao đẳng. Những du học sinh đến Canada sau ngày 1/11 còn phải theo học những ngành trong danh sách của IRCC mới có thể nộp đơn xin PGWP.
Mới đây, nước này bất ngờ đóng SDS - chương trình tăng tốc xử lý visa du học và không yêu cầu chứng minh tài chính với học sinh ở 14 nước và vùng lãnh thổ, gồm Việt Nam.
Khánh Linh (Theo CIC News)