Cân nhắc sức khỏe công chức khi kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 70

Chuyên gia cho rằng nên để công chức nhóm chuyên gia, cố vấn tự quyết định có làm việc tiếp hay không, tùy nhu cầu, sức khỏe và chỉ nên ở vị trí chuyên môn.


Bộ Nội vụ khi xây dựng dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã gợi mở xem xét kéo dài tuổi nghỉ hưu công chức một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn tới 70 và quy định chế độ hưu trí sớm.


GS Giang Thanh Long, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng thì chuẩn bị các điều kiện thu hút người cao tuổi tham gia lực lượng lao động là cần thiết, nhất là các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, tích lũy kiến thức, kỹ năng trong thời gian dài như y tế, giáo dục, nghệ thuật... Ngoài duy trì lực lượng lao động, đóng góp cho nền kinh tế, kéo dài tuổi nghỉ hưu còn giúp họ kết nối xã hội, giảm nguy cơ về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và có thêm thu nhập.


Ông nêu thực tế tại trường, nhiều chuyên gia đầu ngành vẫn làm việc, nghiên cứu khoa học ở tuổi 70. Làm việc khiến họ tiếp tục được cống hiến trí tuệ, kiến thức cho lĩnh vực chuyên môn và hỗ trợ đội ngũ kế cận.


Song kéo dài hưu trí đến bao nhiêu tuổi lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện sức khỏe của công chức nói riêng, người cao tuổi nói chung. Đây là yếu tố quan trọng quyết định nhu cầu, khả năng làm việc của họ. Dữ liệu năm 2022 cho thấy 53% người cao tuổi muốn làm việc nhưng gặp trở ngại vì lý do sức khỏe.


Ông Giang cho rằng kéo dài hưu trí chỉ nên là chính sách khuyến khích chứ không nên quy định bắt buộc, kể cả là lĩnh vực cần chuyên môn cao, chuyên gia, cố vấn. Bởi không phải ai cũng có thể đảm đương được công việc sau khi hết tuổi lao động. Nếu giữ lại mà năng suất lao động, đóng góp chưa tương xứng với các khoản chi trả thêm lại là bất hợp lý.


Thực tế trên thế giới chưa có nước nào nâng tuổi nghỉ hưu đến 70, cao nhất là Thụy Điển cũng chỉ 68. Trong khi để đạt được độ tuổi này, Thụy Điển mất vài chục năm điều chỉnh theo lộ trình. Nhật Bản tuổi thọ bình quân trên 80 nhưng tuổi nghỉ hưu quy định là 65. Trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt tăng nhưng số năm sống chung với bệnh tật rất nhiều, nhất là giai đoạn tuổi già.


"Kéo dài tuổi nghỉ hưu tương đương với các nước phát triển trên thế giới là chưa hợp lý mà phải căn cứ vào sức khỏe của người Việt", GS Long nhận định, thêm rằng cần có đo lường cụ thể, nghiên cứu về sức khỏe người cao tuổi Việt Nam rồi mới cân nhắc áp dụng.


Chuyên gia gợi ý nghiên cứu chính sách về tuổi nghỉ hưu cứng và tuổi hưu mềm. Tuổi hưu cứng là độ tuổi quy định trong luật, theo lộ trình đến khi đạt 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Sau độ tuổi này, người cao tuổi vẫn muốn làm việc thì tạo điều kiện và được bảo vệ trong môi trường làm việc mới cho đến khi họ quyết định nghỉ ngơi ở độ tuổi nhất định gọi là tuổi nghỉ hưu mềm.


Ông lấy ví dụ Nhật Bản quy định tuổi nghỉ hưu chung của nam và nữ là 65. Sau tuổi này rất nhiều người tiếp tục làm việc cho đến khi thấy cần nghỉ ngơi ở tuổi 68 chẳng hạn, gọi là tuổi hưu mềm. Với mỗi năm làm việc sau tuổi 65, hệ số hưởng lương hưu tăng lên tạo động lực cho người cao tuổi cống hiến. Ngược lại, hệ thống cũng có những tiêu chí đánh giá đảm bảo năng suất, hiệu quả tương xứng với khoản chi trả tăng thêm cho người cao tuổi. Chính phủ tạo điều kiện cho người cao tuổi làm việc đúng khả năng, trình độ, sức khỏe, nhưng cũng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận người già như giảm bớt thuế đóng góp, chống phân biệt tuổi tác...


"Không chỉ nhóm công chức, chuyên gia mà người cao tuổi các khu vực khác sau hết tuổi lao động nếu còn khả năng cống hiến thì tạo điều kiện để tiếp tục làm việc", ông góp ý.


Nhiều năm nghiên cứu về chính sách an sinh, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ủng hộ chủ trương kéo dài tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh già hóa dân số nhanh và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao nhiều ngành trọng yếu. Chính sách nếu đi vào thực tiễn sẽ giúp xây dựng đội ngũ chuyên gia, cố vấn cao cấp khu vực công. Mục tiêu tranh thủ chất xám, kinh nghiệm khi nhóm này còn sức khỏe và mong muốn cống hiến.


Trên thực tế dù không tăng tuổi, nhiều người giỏi sau khi nghỉ hưu vẫn tham gia vào khu vực tư và có nhiều đóng góp cho đất nước. Bản thân ông Lợi nghỉ hưu ở tuổi 60, bốn năm qua vẫn tham gia nghiên cứu góp ý chính sách, cố vấn, giảng dạy theo lời mời ở một số lĩnh vực chuyên môn. Đi làm khiến ông vui vẻ, cập nhật thông tin, không bị tụt hậu so với người trẻ, thêm thu nhập ngoài lương hưu.


Song ông lưu ý kéo dài tuổi hưu trí của công chức nếu áp dụng chỉ nên dành cho lĩnh vực cần chất xám, chuyên môn cao như y tế, giáo dục, khoa học... khi "gừng càng già càng cay"; không áp dụng cho vị trí lãnh đạo, quản lý vì có thể ảnh hưởng quá trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ, hạn chế cơ hội phát triển của lớp kế cận, trì trệ trong bộ máy tổ chức.


Kéo dài tuổi nghỉ hưu công chức một số lĩnh vực tới 70 nếu đưa thành quy định bắt buộc, theo ông Lợi cần có lộ trình khi đã đủ điều kiện chứ không nên thực hiện ngay. Bởi Bộ luật Lao động đang tăng tuổi nghỉ hưu cho đến khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ 60 tuổi vào năm 2035. Luật cũng cho phép lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn song không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu. Đồng nghĩa nhóm chuyên môn, kỹ thuật cao có thể nghỉ hưu muộn nhất ở tuổi 67 với nam và 65 với nữ.


Ngoài ra, bảo hiểm xã hội (BHXH) thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, tham gia vượt khung 30 năm với nữ và 35 năm với nam ngoài lương hưu tối đa cũng chỉ nhận được trợ cấp một lần cho mỗi năm bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tăng lên 2 lần từ ngày 1/7. Ông Lợi đánh giá nếu áp dụng cách tính trên sẽ thiệt thòi cho người giỏi khi kéo dài tuổi hưu trí và họ tiếp tục tham gia BHXH. Vì vậy, cần có chính sách vượt trội cho nhóm này về tiền lương, tiền công, chế độ BHXH tính toán làm sao tương đương với cống hiến của họ. Bởi thực tế nhiều đơn vị tư nhân đang trả rất cao mới có thể thu hút nhóm chuyên gia.


"Song điều tiên quyết vẫn là sức khỏe và tinh thần tự nguyện cống hiến của đội ngũ này", ông bình luận.


Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển sang giai đoạn này như Pháp 115 năm, Australia 73 năm... Trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5, nữ giới đứng thứ 2, nhưng số năm bệnh tật lại cao các nước. Người Việt thọ trung bình 74,7 tuổi vào năm 2024, song mất hơn 10 năm sống trong bệnh tật, nhiều người cùng lúc mắc 3-6 bệnh nền.


Hồng Chiêu









Can nhac suc khoe cong chuc khi keo dai tuoi nghi huu toi 70


Chuyen gia cho rang nen de cong chuc nhom chuyen gia, co van tu quyet dinh co lam viec tiep hay khong, tuy nhu cau, suc khoe va chi nen o vi tri chuyen mon.

Cân nhắc sức khỏe công chức khi kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 70

Chuyên gia cho rằng nên để công chức nhóm chuyên gia, cố vấn tự quyết định có làm việc tiếp hay không, tùy nhu cầu, sức khỏe và chỉ nên ở vị trí chuyên môn.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá