Chiều 15/2, trong phiên thảo luận của Quốc hội về Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng trên 8%, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM) nhấn mạnh rằng bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là bền vững về con người.
Ông dẫn chứng trường hợp của Nhật Bản, quốc gia từng có 33 năm liên tục đạt mức tăng trưởng trên 10%, nhưng sau đó rơi vào giai đoạn trì trệ kéo dài gần ba thập kỷ với mức tăng trưởng không quá 1% mỗi năm. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là tỷ lệ sinh giảm mạnh, không đảm bảo mức sinh thay thế.
"Đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng mức sinh lại không đạt thì đó là một sai lầm. Hiện tại, chúng ta vẫn ở mức thấp, do đó khi đặt mục tiêu tăng trưởng cao, cần phải đồng thời giữ vững tỷ suất sinh thay thế", ông Nhân nói. Theo ông, Việt Nam cần thực hiện song song hai lộ trình: vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa duy trì mức sinh hợp lý để đảm bảo phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để một gia đình với hai vợ chồng đi làm nuôi hai con, thu nhập của một người phải đủ nuôi hai người, tức tổng lương của cả hai vợ chồng phải đủ trang trải cho bốn người. Trên thế giới, khái niệm này được gọi là "lương đủ sống" cho gia đình bốn người, thay vì chỉ tính "lương tối thiểu".
Theo ông Nhân, thực trạng lương tối thiểu không đủ để nuôi con không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là thách thức chung ở nhiều nước phát triển. Hầu hết người lao động chỉ đủ trang trải cho bản thân, trong khi chỉ những người có thu nhập trên mức tối thiểu và khá cao mới có thể nuôi con. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ suất sinh ở nhiều quốc gia sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều nước đã chuyển từ mô hình "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu".
Dẫn chứng từ khảo sát tại TP HCM, ông cho biết một gia đình có hai con cần thu nhập tối thiểu 20-21 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống. Tức là trung bình vợ hoặc chồng phải có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng I hiện nay là 4,96 triệu đồng. "Muốn đảm bảo mức sinh, tiền lương phải tăng gấp đôi để người dân có đủ nguồn lực nuôi con. Nếu không đủ, họ sẽ không sinh con", ông Nhân nhấn mạnh.
Do đó, ông đề nghị trong giai đoạn từ nay đến 2030, Việt Nam cần tăng lương dần để đạt mức "lương đủ sống tối thiểu". Nếu chưa đạt vào năm 2030, thì chậm nhất đến 2035, nhưng trong vòng 10 năm tới, việc này phải hoàn thành.
Ngoài thu nhập, mức sinh còn phụ thuộc vào các yếu tố như nhà ở, giáo dục và y tế. Tuy nhiên, trước mắt ông cho rằng cần ưu tiên cải thiện thu nhập cho người dân bởi theo kinh nghiệm quốc tế, nếu trong 25 năm không đảm bảo mức sinh thay thế thì sẽ xuất hiện một thế hệ thanh niên 30 tuổi không lập gia đình hoặc lập gia đình nhưng không sinh con.
"Việt Nam đang trong thời kỳ cơ hội vàng để nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Muốn phát triển bền vững, đây là thời điểm phải tăng lương để đảm bảo mức sống và khả năng nuôi dạy con cái", ông nói.
Tại hội nghị Tổng kết công tác dân số năm 2024, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết ước tính tỷ suất sinh năm 2024 chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp mức sinh tại Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).
Năm 2021 mức sinh là 2,11 con/phụ nữ, nhưng xu hướng giảm dần qua từng năm với 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023). Trong hai thập kỷ qua, mức sinh thấp chủ yếu tập trung tại các khu vực đô thị, nơi có tốc độ đô thị hóa và điều kiện kinh tế xã hội phát triển cao. Hiện tại, mức sinh trung bình ở đô thị chỉ còn 1,67 con/phụ nữ, trong khi khu vực nông thôn vẫn duy trì ở mức 2,08 con/phụ nữ.
Sơn Hà