Tại buổi làm việc với Đại học Việt - Đức (VGU) ngày 8/4, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết chính phủ hai nước đặt nhiều kỳ vọng vào nhà trường nhưng kết quả đạt được ở một số mặt còn khiêm tốn.
Hiện, tổng số sinh viên, học viên sau đại học của VGU khoảng 3.500, thuộc nhóm có quy mô nhỏ trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.
Sau 17 năm hoạt động, trường đào tạo cho xã hội hơn 2.000 cử nhân, kỹ sư. Bộ trưởng đánh giá đây là "nguồn vốn quý" nhưng so với số lượng hơn 500.000 người vào đại học mỗi năm hiện nay thì như vậy là rất ít.
Ông Sơn nhìn nhận quy mô đào tạo, tuyển sinh của Đại học Việt - Đức còn nhỏ, dẫn đến tác động xã hội hạn chế, khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực chưa cao, từ đó làm suy giảm "sức sống" của một trường đại học. Việc nhanh chóng tăng quy mô đào tạo giúp trường có thêm nguồn thu học phí, tạo ảnh hưởng với xã hội.
"Tất nhiên không thể tăng ngay lên 30.000, 40.000 sinh viên như các trường khác nhưng khoảng 10.000 thì chúng ta cần nhanh chóng đạt được", Bộ trưởng nói.
Theo ông Sơn, một trong những lý do khiến trường tuyển sinh khó là yêu cầu tiếng Anh đầu vào cao. Tân sinh viên VGU phải có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 6.0 trong khi một số đại học quốc tế ở Việt Nam chấp nhận mức IELTS 5.0, rồi cho sinh viên một học kỳ bổ sung.
Mặt khác, Bộ trưởng yêu cầu trường tăng số nhà khoa học, giảng viên cơ hữu để đảm bảo phát triển bền vững. Bên cạnh số giáo sư từ Đức sang, nhà trường cần tăng nguồn nhân lực tại chỗ.
Ông phân tích trường Đại học Việt Đức đang đứng trước cơ hội phát triển thuận lợi khi nhu cầu nhân lực kỹ thuật, công nghệ của nước ta rất lớn. Trường được chính phủ hai nước ủng hộ, vị trí gần TP HCM - nơi có nhu cầu nhân lực lớn. Do đó, VGU cần mở rộng ngành nghề đào tạo, tăng học bổng, thu hút nguồn lực để hỗ trợ cho người học.
"Bộ đang làm chính sách để tăng nguồn học bổng cho người học các ngành công nghệ, kỹ thuật. Chính phủ sẽ đầu tư cho các trường, trong đó có VGU", ông Sơn nói.
Đại học Việt - Đức được thành lập dựa trên sáng kiến hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và bang Hessen (Đức). Trường nằm trong đề án xây dựng 4 đại học công lập xuất sắc, với định hướng trở thành cơ sở nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, khu vực và thế giới.
Hàng năm, Mỗi năm, VGU tuyển hơn 1.000 sinh viên. Khoảng 100-120 lượt giáo sư Đức đến đây giảng dạy. Sinh viên và giảng viên của trường đến từ 15 quốc gia trên thế giới.
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính ở trường. Sinh viên cũng được học ngôn ngữ thứ hai là tiếng Đức. Các năm trước, 97% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm.
Theo TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng, trường có tổng cộng 237 cán bộ, giảng viên và nhân viên. Trong đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu có 48 người, hầu hết có trình độ tiến sĩ trở lên. Toàn bộ giảng viên được tuyển chọn theo tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm giáo sư của các đại học Đức.
Để có chất lượng giảng dạy và nghiên cứu đạt tiêu chuẩn Đức và quốc tế, TS Viên kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép trường vận hành bằng quy chế nội bộ của các đại học Đức, có cơ chế đảm bảo nguồn lực phù hợp cho trường, đặc biệt là tài chính; được xây dựng và ban hành cơ chế lương, đãi ngộ để thu hút giảng viên xuất sắc.
Đại học Việt - Đức cũng muốn tham gia phát triển hệ sinh thái của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, thông qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức các khóa học ngắn hạn bồi dưỡng về chính sách, công nghệ tài chính.
Lệ Nguyễn