Biểu thuế thu nhập cá nhân rút từ 7 xuống 5 bậc, thuế suất cao nhất 35%

Bộ Tài chính đề xuất giảm số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống 5 bậc và mức thuế suất cao nhất vẫn là 35%.


Khoản 2, Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.


Trong Hồ sơ dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, Bộ đề xuất 2 phương án sửa đổi biểu thuế, theo hướng giảm số bậc và giảm số bậc thuế và nới rộng khoảng cách giữa các ngưỡng thu nhập chịu thuế.


Hai phương án cụ thể như sau:


Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi biểu thuế. Ảnh chụp màn hình

Ở cả hai phương án, số bậc trong biểu thuế đều giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc và mức thuế suất cao nhất đều là 35%.


Theo Bộ Tài chính, việc thu hẹp số bậc thuế sẽ góp phần đơn giản hóa trong quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho kê khai, tính thuế và phù hợp xu hướng cải cách thuế thu nhập cá nhân trên thế giới.


Cả hai phương án đều đáp ứng mục tiêu giảm số bậc thuế và điều chỉnh các ngưỡng thu nhập tính thuế theo số chẵn. Tuy nhiên, tác động của mỗi phương án đến người nộp thuế là khác nhau.


Đối với phương án 1, cá nhân có thu nhập tính thuế ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, nhóm này vẫn được giảm thuế. Các cá nhân đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế nhiều hơn so với hiện nay.


Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu/tháng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng...


Đối với phương án 2, cơ bản mọi cá nhân có thu nhập tính thuế từ 50 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ được giảm thuế tương đương với phương án 1. Đối với cá nhân có thu nhập tính thuế trên 50 triệu đồng/tháng thì mức độ giảm sẽ nhiều hơn, vì vậy số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm nhiều hơn phương án 1.


Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp lũy tiến từng phần là xu hướng phổ biến trên thế giới. Các quốc gia đều áp dụng biểu thuế lũy tiến nhiều bậc, nhưng cách thức và phương thức thiết kế khác nhau. Xu hướng chung được một số quốc gia gần đây áp dụng là đơn giản biểu thuế thông qua giảm số bậc trong biểu thuế.


Về thuế suất, mức áp dụng cao nhất ở một số quốc gia điều chỉnh theo hướng tăng lên. Chẳng hạn, năm 2024, Phần Lan tăng thuế suất cao nhất từ 57% lên 57,3%, Lithuania từ 20% lên 32%... Một số nước châu Á có mức thuế suất cao nhất 45% gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, hoặc 30% (Malaysia) và 35% (Philippines, Indonesia).


Về số lượng bậc thuế, các nước cũng thiết kế không giống nhau, như Singapore có số bậc thuế nhiều nhất, là 13 bậc. Các nước tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu Úc phần lớn áp dụng 5-6 bậc thuế. Riêng Mỹ có 7 bậc thuế, còn Albania là nước có số bậc ít nhất, chỉ 2 bậc.


Bộ Tài chính muốn nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 11 triệu lên cao nhất 15,5 triệu đồng/tháng Bộ Tài chính đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong đó, phương án cao nhất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng.
Triệu gia đình chờ điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh Chuyên gia cho rằng, nâng mức giảm trừ gia cảnh, đẩy sớm lộ trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ là điều đáng mừng cho hàng triệu gia đình.