Tràn dịch màng phổi là tình trạng dịch tích tụ vượt quá 20 ml trong khoang màng phổi, nằm giữa màng phổi tạng và màng phổi thành. Trong điều kiện bình thường, khoang này chỉ chứa 10-15ml dịch để phổi dễ dàng giãn nở khi hít thở. Người bị tràn dịch màng phổi thường có triệu chứng đau ngực, khó thở với mức độ từ nhẹ đến nặng, ho khan hoặc ho có đờm, có thể sốt cao nếu kèm nhiễm trùng.
ThS.BS Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tràn dịch màng phổi không được can thiệp kịp thời, biến chứng của có thể diễn tiến nặng. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, tăng nguy cơ tử vong.
Biến chứng tại phổi và hệ hô hấp: Khi dịch tích tụ nhiều trong khoang màng phổi, phổi bị chèn ép gây xẹp phổi, làm hạn chế khả năng giãn nở và trao đổi khí. Người bệnh cảm thấy khó thở, nhất là khi gắng sức. Trong trường hợp nặng, dịch tràn nhanh và nhiều có thể dẫn đến suy hô hấp cấp, khiến nồng độ oxy trong máu giảm mạnh, gây tổn thương cơ quan nội tạng.
Biến chứng nhiễm trùng: Dịch màng phổi là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm màng phổi hoặc tràn mủ màng phổi. Nhiễm trùng cũng có thể làm triệu chứng của bệnh nghiêm trọng.
Biến chứng xơ hóa và dày dính màng phổi: Khi dịch hoặc cặn dịch tích tụ trong khoang màng phổi lâu ngày, màng phổi có thể trở nên xơ cứng, dày dính và kém đàn hồi. Điều này làm hạn chế khả năng giãn nở của phổi, cản trở quá trình hô hấp và giảm hiệu suất trao đổi khí. Người bệnh thường ho khan, đau ngực, khó thở kéo dài.
Biến chứng tim mạch: Tràn dịch màng phổi ảnh hưởng đến tim, nhất là khi nguyên nhân do nhiễm trùng. Phản ứng viêm có thể lan sang màng tim, gây viêm màng tim, tràn dịch màng tim. Lượng dịch tích tụ nhanh và nhiều tạo áp lực lên phổi, mạch máu, làm giảm lượng máu về tim. Thiếu oxy do tăng tiết dịch, phản ứng viêm nhiễm khiến mạch giãn, dẫn đến tụt huyết áp nghiêm trọng.
Dấu hiệu tràn dịch màng phổi gồm đau ngực, khó thở đột ngột, ho kéo dài không rõ nguyên nhân hoặc sốt cao kèm mệt mỏi. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Hưng khuyến cáo mọi người cần cải thiện môi trường sống, làm việc, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, các tác nhân gây hại cho phổi. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm nấu chín, tránh các món sống gây nhiễm khuẩn. Nếu tiếp xúc với người mắc lao, cần có biện pháp phòng ngừa như cách ly hoặc dùng thuốc dự phòng. Duy trì vệ sinh miệng họng, điều trị dứt điểm viêm nhiễm đường hô hấp cũng rất quan trọng.
Tuấn Đạt
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |