Bị đòi nộp 1 tỷ đồng vì cảnh sát giả `bắt được shipper giao hàng cấm`

Không chỉ giả danh công an đòi nạn nhân nộp tiền tỷ, đối tượng lừa đảo còn dựng kịch bản đưa thêm “điều tra viên” vào thay phiên “lấy lời khai”, liên tục đặt câu hỏi, tạo không khí căng thẳng, nhằm khiến nạn nhân hoang mang phải nộp tiền.


Những ngày đầu tháng 7, bà Lê T.H. (trú tại xã Trường Lâm, tỉnh Thanh Hóa) kể lại trải nghiệm “nhớ đời” khi suýt trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo qua điện thoại: “Một kẻ giả danh công an gọi video cho tôi, nói rằng tôi đang bị điều tra vì liên quan đến một đơn hàng chứa ma túy.


Hắn bảo: ‘Người giao hàng cho chị tên là Minh. Trong lúc tuần tra, chúng tôi đã bắt được người này”. Không dừng lại ở đó, người đàn ông tự xưng là Công an tỉnh Thanh Hóa còn quay video cho bà H. xem cảnh một người đang bị bắt giữ cùng gói hàng được cho là chứa ma túy.


Hắn liên tục đe dọa, yêu cầu bà phải chuyển tiền để ‘chứng minh vô tội’. “Ban đầu tôi rất hoảng loạn. Nhưng sau một hồi nói chuyện, tôi lấy lại bình tĩnh và hỏi: ‘Vậy tôi phải đóng bao nhiêu tiền hả anh công an?’.


Gã kia đáp tỉnh bơ: ‘Chị chỉ cần chuyển cho chúng tôi 1 tỷ. Nếu không có tội, chúng tôi sẽ hoàn lại”. Tuy nhiên, bà H. không hề lung lay. Bà đáp trả: “Tiền của tôi là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu và bao năm lao động mới có được. Không phải lá mít mà muốn gửi là gửi....”.


Tên lừa đảo vẫn ngoan cố, lớn tiếng dọa nạt: “Nếu chị không làm theo, chỉ một tiếng nữa chúng tôi sẽ đến bắt chị ngay lập tức”. Nghe vậy, bà H. liền dằn mặt: “Bắt thì bắt nhanh lên! Rồi kiểu gì cũng có ngày bị chích điện”. Sau câu nói đanh thép này, tên giả danh lập tức… câm nín và lặn mất tăm.


Clip giả danh công an lừa đảo lan truyền trên mạng xã hội


Mới đây, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài hơn 2 phút, ghi lại cảnh một đối tượng giả danh công an “làm việc” với nạn nhân qua video call. Hắn lớn tiếng quát: “Trước khi nhận diện người, em bật camera màn hình lên, ngồi ngay ngắn nghe chưa?”.


Hình ảnh về kẻ giả danh công an. Ảnh: Cắt từ clip.

Sau khi nạn nhân bật camera, hắn tiếp tục dồn dập tra hỏi: “Hiện tại em đang ở đâu? Anh sẽ cho em nhận diện xem đây có phải người quen không. Em phải tìm nơi yên tĩnh để làm việc, không có người thứ ba can thiệp. Em hiểu chưa?”.


Tiếp đó, hắn đưa ra hình ảnh một người đàn ông rồi nói: “Người này nói thường xuyên giao hàng cho em. Em có đặt đơn gì gần đây không? Em có quen ai tên Phương ở Thái Nguyên không? Người đó nói gửi hàng chè về Hà Nội cho em đấy”.


Chưa dừng lại, tên lừa đảo còn dựng thêm một "kịch bản công an" khác, đưa thêm một người vào đóng vai “điều tra viên” để thay phiên “lấy lời khai”.


Cả hai liên tục đặt câu hỏi, tạo không khí căng thẳng, nhằm khiến nạn nhân hoang mang. Tuy nhiên, khi thấy nạn nhân không tỏ ra sợ hãi, hai tên này bắt đầu buông lời tục tĩu rồi… âm thầm rút lui.


Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Hà Nội) nhận định: “Những tình huống dở khóc dở cười này cho thấy mức độ liều lĩnh và tinh vi của các đối tượng lừa đảo giả danh. Điều đáng lo ngại là nhiều người dân vẫn dễ dàng sập bẫy do thiếu kỹ năng phòng ngừa”.


Theo ông Tùng, không phải ai cũng có bản lĩnh, kinh nghiệm. Do đó, mỗi người dân cần chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng nhận diện các thủ đoạn giả danh đang ngày càng tinh vi, nhằm tránh trở thành “con mồi” tiếp theo trong mạng lưới lừa đảo xuyên biên giới.


Giả danh công an, điện lực: Gọi nhầm người thật, kẻ gian chạy mất hút Các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, không chỉ nhằm vào người dân mà lãnh đạo các đơn vị như công an, điện lực, nước sạch cũng trở thành mục tiêu. Khi kẻ giả danh tình cờ đối mặt với… người thật, các đối tượng liền tắt máy.
Thiếu nữ 14 tuổi ‘bẻ lái’ cực gắt khiến kẻ giả danh CSGT mất hút Cú 'bẻ lái' khiến kẻ tự xưng CSGT để lừa đảo 'đứng hình' chính là câu nói cực gắt của thiếu nữ: 'Người chỉ huy sau lưng chú đang cầm roi điện đấy'.