Linh nặng hơn 90 kg, cao 1,76 m, chỉ số BMI 29.9, ăn kiêng kết hợp vận động vẫn không thể giảm cân. Đo InBody tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lượng mỡ cơ thể của Linh là 37,8 kg, gấp 3-4 lần bình thường, diện tích mỡ nội tạng 187,5 (an toàn là dưới 100 cm2), trong khi khối lượng cơ bắp bình thường.
Ngày 5/4, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết Linh béo phì mức độ một, thuộc nhóm béo phì do tích mỡ, không phải thừa cân do cơ bắp phát triển. Tỷ lệ chuyển hóa cơ bản (Basal Metabolic Rate - BMR) của Linh là 1.522 kcal/ngày.
Tỷ lệ chuyển hóa cơ bản là lượng calo mà cơ thể cần để duy trì các chức năng sống cơ bản như hô hấp, tuần hoàn, điều hòa thân nhiệt khi nghỉ ngơi hoàn toàn. Bác sĩ Ngọc đánh giá so với chiều cao và độ tuổi của anh Linh, tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình (1.800-2.100 kcal một ngày).
"Chỉ số BMR thấp cho thấy tốc độ trao đổi chất chậm", bác sĩ Ngọc giải thích. Cơ bắp tiêu hao nhiều năng lượng hơn mỡ, nhưng khối lượng cơ của người bệnh chỉ ở mức trung bình (29,9 kg) còn lượng mỡ gấp 2-3 lần bình thường. Sự chênh lệch này làm giảm hiệu suất đốt năng lượng của cơ thể. Cơ thể đốt cháy ít calo hơn khiến người bệnh rất khó giảm cân.
Anh Linh gặp nhiều vấn đề sức khỏe do béo phì như ngủ ngáy, đau khớp, đau lưng khi vận động. Mỡ thừa khiến anh có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch.
Bác sĩ Ngọc xây dựng phác đồ điều trị béo phì cá thể hóa cho anh Linh. Phác đồ điều trị gồm sử dụng thuốc giảm cân và chế độ dinh dưỡng nhằm tạo thâm hụt calo, kiểm soát cân nặng, cân bằng nội tiết, thúc đẩy quá trình đốt mỡ, tăng cơ, cải thiện tỷ lệ chuyển hóa cơ bản.
Mỡ trong cơ thể được dự trữ chủ yếu dưới dạng triglyceride trong các tế bào mỡ. Để giảm mỡ, cơ thể phải huy động và đốt cháy chúng để tạo năng lượng thông qua quá trình phá hủy mỡ dự trữ và đốt cháy axit béo. Trong khi đó, quá trình tăng cơ diễn ra thông qua việc tổng hợp protein. Cụ thể, khi tập luyện (đặc biệt là tập kháng lực), cơ bắp chịu lực tác động, gây ra tổn thương cơ ở mức độ vi mô. Cơ thể phản ứng bằng cách huy động axit amin từ protein để sửa chữa và tái tạo sợi cơ lớn hơn, khỏe hơn.
Anh Linh được điều chỉnh cân bằng nội tiết bởi một số hormone quan trọng tham gia vào quá trình tăng cơ là insulin (giúp tổng hợp protein, chống mất cơ), testosterone và IGF-1 (hỗ trợ phát triển cơ bắp), hormone HGH thúc đẩy tăng cơ, phân giải mỡ.
Theo bác sĩ Ngọc, khi giảm mỡ, cơ thể có thể lấy năng lượng từ cả mỡ lẫn cơ nếu không được bổ sung đủ protein và tập luyện đúng cách. Do đó, chuyên viên vận động chú trọng các bài tập luyện kháng lực và thiết kế theo cường độ tăng dần nhằm kích thích quá trình tăng cơ. Người bệnh cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ (7-9 tiếng mỗi đêm) giúp cơ bắp phục hồi, kiểm soát tình trạng stress do hormone cortisol tăng cao khi căng thẳng làm giảm đốt mỡ, tăng tích mỡ, phá hủy cơ.
Sau một tháng điều trị, anh Linh giảm 4 kg mỡ, tăng 1 kg cơ. Tái khám sau hai tháng, anh giảm tổng cộng 6 kg mỡ, còn 31,8 kg, giữ nguyên khối cơ, đồng thời tỷ lệ chuyển hóa cơ bản cải thiện. Tỷ lệ nước trong cơ thể người bệnh ổn định, không bị mất nước khi giảm cân.
Anh tiếp tục duy trì điều trị theo phác đồ, sử dụng thuốc, bổ sung protein trong chế độ ăn và tăng cường bài tập cường độ cao, kháng lực để xây dựng cơ bắp, đốt mỡ hiệu quả hơn.
Minh Đức
* Tên người bệnh đã thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |