Bà Trương Mỹ Lan nói `phát hiện` bất thường trong khoản tiền 125.000 tỷ đồng

TP HCM - Bà Trương Mỹ Lan cho rằng vừa được tiếp cận tài liệu mới, phát hiện bị buộc trách nhiệm đối với các khoản vay 125.000 tỷ đồng của khách hàng tại SCB, từ trước khi bà tham gia tái cơ cấu.


"Từ khi bản án sơ thẩm được công bố, bị cáo không có tài liệu gì trong tay để làm rõ số tiền mình bị buộc trách nhiệm chiếm đoạt. Hồ sơ vụ án có đến hơn 6 tấn hồ sơ thì luật sư của bị cáo không thể photo hết", bà Trương Mỹ Lan trình bày khi bào chữa bổ sung, ngày 18/11.


Bà Lan cho rằng, khi được tiếp cận tài liệu mới đã phát hiện trong số tiền đang bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB (677.000 tỷ đồng) có cả khoản nợ gốc 125.000 tỷ đồng của nhiều khách hàng để lại, trước khi bà tham gia tái cơ cấu, cũng như nhiều khoản vay khác, mà từ khi bị bắt bà không có điều kiện đối chiếu.


Theo đó, có nhiều khoản vay hình thành từ trước thời điểm 3 ngân hàng hợp nhất (01/01/2012). Có khoản là do khách hàng vay trực tiếp của 3 ngân hàng cũ, có khoản là khách hàng quen với ông Lê Quang Nhường (cựu chủ tịch SCB cũ). Sau khi 3 ngân hàng hợp nhất, bà Lan trở thành cổ đông lớn của SCB mới, và trở thành người "gánh nợ" cho các khoản vay này.


Với những gì bà nắm được thì những khoản vay của khách hàng để lại trước tái cơ cấu là 125.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều khoản nợ của Ngân hàng Đệ Nhất để lại như Dự án Chợ Vải... là rất lớn lên đến 100.000 tỷ đồng. Tổng cộng có 13/18 khoản vay của các dự án mà bà Lan nhớ được và đó là "những khoản vay không thể chối cãi mà ai cũng biết cần phải làm rõ". Theo bà Lan, toàn bộ những khoản vay này là của nhóm bạn bè ông Nhường, trong đó có của Công ty Phương Trang mà SCB không xử lý được vì thiếu pháp lý.


"Những khoản tiền này hoàn toàn không liên quan đến bị cáo. Không thể quy kết bị cáo gây thiệt hại hoặc chiếm đoạt số tiền là dư nợ của các khoản vay đó", bà Lan nói, đề nghị HĐXX cho mình đối chất với SCB. Các luật sư của bà sẽ trình bày chi tiết về những khoản nợ này trong văn bản gửi cho HĐXX.


Chủ tọa sau đó đề nghị SCB tập trung ghi nhận vấn đề này để tranh luận lại với bà Lan.


Bà Lan cho biết thêm, đến nay khi nhìn vào các con số trong tài liệu mới nhớ ra, trước khi bị bắt bị cáo có cho SCB mượn 3 tòa nhà ở Ba Son và tòa nhà 87 Cống Quỳnh trị giá 67.000 tỷ đồng để cơ cấu cho khoản nợ 65.000 tỷ đồng. "SCB cứ nói giải ngân cho bị cáo nhưng có chứng cứ nào chứng minh năm 2018 giải ngân số tiền này cho Vạn Thịnh Phát không?", bà Lan nói và đề nghị tòa cho đối chất làm rõ số liệu này tại tòa.


Ngoài ra, bà Lan một lần nữa nhắc lại các khoản vay của Công ty Thành Hiếu (thuộc nhóm Phương Trang, khách hàng của SCB (cũ) từ gần 20 năm trước, hiện đã lên đến 54.000 tỷ đồng. Số tiền này bà Lan đang bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm.


Theo bà Lan, tổng số tiền nợ này đến nay đã lên tới hơn 347.800 tỷ đồng đều tính vào số tiền bị cáo tham ô, dù đều là được xác định bằng các khoản vay tín dụng. Bà đề nghị VKS và HĐXX xem xét vấn đề này vì thời gian của bà không còn nhiều.


Đề cập báo cáo của SCB, bà Lan dẫn chứng, từ ngày 18/10/2022 đến 1/4 năm nay ngân hàng đã thu nợ, bán nợ trả chậm... thu được hơn 21.595 tỷ đồng; trong đó hơn 19.000 tỷ nợ gốc. Nhưng số tiền này không được cấn trừ đi khoản tiền bà bị cáo buộc chiếm đoạt.


Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nói thêm, muốn xác định thiệt hại của vụ án thì phải thanh lý, bán hết tài sản thế chấp, nhưng ở đây SCB chưa thanh lý, chưa bán tài sản mà các cơ quan tố tụng lại cáo buộc bà chiếm đoạt số tiền như bản án sơ thẩm. Đến nay, kết luận điều tra và cáo trạng xác định, tổng tài sản hiện hữu của SCB là 714.000 tỷ đồng; nếu trừ đi 673.000 tỷ đồng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm thì không có thiệt hại.


"Các cơ quan tố tụng cho rằng SCB là của bị cáo. Bị cáo chiếm hơn 91% cổ phần thì bị cáo cũng bị thiệt hại, giờ tiếp tục bắt bị cáo phải chịu trách nhiệm hết toàn bộ nợ gốc và lãi của SCB", bà Lan nói và cho biết trong số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt có đến hơn 70% là dư nợ lãi.


"Bị cáo mong những tình tiết giảm nhẹ mà VKS ghi nhận trong phần luận tội được áp dụng cho cả bị cáo, và các bị cáo khác, ở tội Tham ô tài sản. Bị cáo có cố gắng thế nào đi nữa mà chỉ được giảm nhẹ vào tội Vi phạm quy định về cho vay thì cũng không có ý nghĩa gì", bà Lan nói.


Luật sư: 'Toàn bộ tài sản bị kê biên thì làm sao khắc phục?'


Bào chữa bổ sung cho bà Lan, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, số liệu bà Lan nói về 21.000 tỷ đồng SCB thu hồi nợ là nằm trong công văn 8/7/2024 do chính SCB báo cáo. Theo luật sư, SCB đã buộc bà phải gánh toàn bộ các khoản nợ nói trên là không đúng. Mà trong số 415.000 tỷ đồng bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt phải trừ đi số nợ từ trước khi ngân hàng hợp nhất.


Chủ tọa lưu ý, vấn đề này cấp sơ thẩm đã chia hành vi của bà Lan làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một về tội Vi phạm quy định cho vay, giai đoạn 2 về tội Tham ô tài sản. Số tiền tham ô bị cáo buộc là ở giai đoạn 2.


Trình bày tiếp, luật sư Thanh cho rằng có 4 khoản phải trừ đi cho bà Lan gồm: khoảng 100.000 tỷ đồng từ 13/18 dự án (bà Lan nhớ được thuộc nhóm Công ty Thành Hiếu, Thành Phát, Âu Lạc - Hạ Long...); 65.000 tỷ đồng bà Lan bị cáo buộc chịu trách nhiệm (các khoản vay này thực ra là của khách hàng khác không liên quan đến bà Lan); tài sản hiện hữu của SCB 45.000 tỷ; tài sản gán nợ SCB khoảng 32.000 tỷ và dự phòng rủi ro hao mòn tài sản cố định 21.000 tỷ.


"Các khoản này đều nằm trong SCB, nay đều cộng vào bắt bà Lan chịu trách nhiệm vì 'chiếm đoạt' là không đúng", luật sư Thanh nói và nhắc lại, vấn đề này tách bạch với trách nhiệm của bà đối với SCB. Dù bà Lan có được trừ đi số tiền chiếm đoạt bao nhiêu thì vẫn cam kết chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền nợ.


Theo luật sư, quan điểm của VKS về việc số tiền khắc phục hậu quả chưa đủ để được giảm nhẹ án tử hình là "đúng đắn với quy định của pháp luật" nhưng chưa phù hợp với vụ án này, bởi toàn bộ nguồn tài sản có thể thu hồi và tài sản của bà Lan để khắc phục hậu quả đều bị kê biên.


"Nếu giờ bắt bà phải có số tiền mặt tương ứng với 3/4 thiệt hại đang bị cáo buộc là không thể thực hiện được. Bà Lan luôn mong muốn khắc phục nhưng toàn bộ tài sản bị kê biên rồi thì khắc phục bằng cách nào?", luật sư Thanh nêu vấn đề và đề nghị cần áp dụng cho thân chủ cơ chế đặc thù trong vụ án này.


Luật sư Thanh dẫn chứng, mới đây Quốc Hội đã thảo luận thông qua dự thảo nghị quyết về xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, song "rất tiếc bà Lan chưa thể được áp dụng những quy định này".


Tiếp đó, luật sư cũng đề nghị tòa xem xét việc ước tính số tiền của các mã tài sản đang bị kê biên khoảng 700.000 tỷ đồng. Đủ khắc phục thiệt hại hậu quả của giai đoạn này và các giai đoạn khác, nếu đó. Đến nay, theo bảng giá đất UBND TP HCM mới ban hành thì giá trị các tài sản này đã tăng lên 3-5 lần. Do đó, luật sư đề nghị cần phải định giá lại giá trị tài sản này khi xử lý.


Nhà đầu tư nước ngoài muốn mua dự án của bà Lan


Trình bày tiếp đó, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, cho đến nay, vẫn có những nhà đầu tư đã làm việc với bà về mong muốn đưa vốn vào tiếp tục đầu tư cho các dự án, giúp bà Lan có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án. Cụ thể như tòa nhà số 29 Liễu Giai (Hà Nội), hiện nhà đầu tư nước ngoài đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển tiền từ nước ngoài vào để cho bà Lan vay. Sau khi cấn trừ nợ cho các ngân hàng nước ngoài phần dư ra bà Lan dùng để khắc phục hậu quả vụ án.


Tương tự, đối với dự án 6A khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh của bà Lan (chưa kê biên thế chấp cho bất cứ khoản vay nào) cũng có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 40.000 tỷ đồng để mua, giúp bà Lan khắc phục hậu quả.


"Nếu tuyên án tử hình đối với bà Lan, với điều kiện giam giữ của một bị án phải thi hành án tử hình, thì khó có cơ hội cho bà tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài để xử lý và khắc phục hậu quả", luật sư Trang nói.


VKS đề nghị SCB cung cấp tài liệu đối chiếu


Sau phần trình bày của bà Lan và các luật sư, đại diện VKS đề nghị SCB cung cấp một số nội dung để tranh luận lại. Cụ thể, SCB cung cấp số liệu cho VKS, HĐXX làm rõ các vấn đề: trước khi 3 ngân hàng hợp nhất nợ cũ là bao nhiêu; số nợ tại SCB tính đến ngày 32/12/2017 là bao nhiêu; số nợ từ năm 2017 mang sang giai đoạn 2018 là bao nhiêu và trong tổng số dư nợ từ ngày 1/1/2018 đến ngày khởi tố vụ án 7/10/2022 có bao nhiêu khoản vay dùng để đảo nợ, bà Lan rút ra bao nhiêu...


Đại diện SCB đồng ý sẽ trình các cấp và cung cấp cho VKS và HĐXX.


Trước đó, nêu quan điểm giải quyết đơn kháng cáo của bà Lan, VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại... đề nghị HĐXX giảm nhẹ từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.


Tuy nhiên, VKS giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, xác định bà Lan có vai trò cầm đầu, phạm tội mang tính chất tinh vi... nên dù có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ vẫn chưa đủ để giảm nhẹ đối với 2 tội còn lại. Từ đó, VKS đề nghị y án tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt bà Lan phải chịu là tử hình.


Các cơ quan tố tụng xác định, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.


Hải Duyên









Ba Truong My Lan noi 'phat hien' bat thuong trong khoan tien 125.000 ty dong


TP HCM - Ba Truong My Lan cho rang vua duoc tiep can tai lieu moi, phat hien bi buoc trach nhiem doi voi cac khoan vay 125.000 ty dong cua khach hang tai SCB, tu truoc khi ba tham gia tai co cau.

Bà Trương Mỹ Lan nói 'phát hiện' bất thường trong khoản tiền 125.000 tỷ đồng

TP HCM - Bà Trương Mỹ Lan cho rằng vừa được tiếp cận tài liệu mới, phát hiện bị buộc trách nhiệm đối với các khoản vay 125.000 tỷ đồng của khách hàng tại SCB, từ trước khi bà tham gia tái cơ cấu.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá