Vào nghề năm 2019 ở một trường tiểu học gần nhà, cô giáo ở Phú Thọ không đếm nổi số lần ấm ức đến bật khóc.
Khi học và thực tập, cô Nga được dạy theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Khi đi làm, cô giáo trẻ phải làm quen mô hình trường học mới VNEN, khi đó đang được thử nghiệm ở một số nơi, dùng sách khác với sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Liên tục bị nhận xét không đạt, cô Nga phải thức nhiều đêm, tự học, tập luyện để bắt kịp yêu cầu công việc.
Được hai năm, trường lại dạy chương trình và sách giáo khoa mới, cô Nga như "học lại từ đầu". Ngoài dạy, làm chủ nhiệm, công tác Đoàn thể, cô giáo sinh năm 1997 liên tục phải đi tập huấn. Covid-19 cũng khiến cô phải học nhiều kỹ năng mới để dạy online.
"Tôi không biết cuối tuần là gì, thường xuyên thức đêm", cô Nga nhớ lại.
Cô sau đó còn căng thẳng khi hay tin phụ huynh lăn tăn, xin trường đổi giáo viên kinh nghiệm hơn. Đang mang thai, lại nhiều việc, thu nhập quanh mức 5 triệu đồng, cô không ít lần tự hỏi về lựa chọn vào ngành Sư phạm.
Phải thay đổi theo chương trình mới cũng là áp lực của thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên THCS ở Hà Nội. Vốn là giáo viên Hóa, thầy phải chuyển dạy Khoa học tự nhiên - môn tích hợp Lý, Hóa, Sinh. Đã bốn năm trôi qua nhưng thầy giáo 34 tuổi cho biết do theo học sinh từ lớp 6 lên 9 nên năm nào cũng phải học kiến thức mới.
Trong khi đó, làm chủ nhiệm với nhiều "việc không tên" về hồ sơ, sổ sách, rồi giữ liên lạc với phụ huynh cũng đã "ngốn" nhiều thời gian rảnh.
"Tôi gần như không còn thời gian cho mình và gia đình, đừng nói là đi gặp gỡ cà phê, ăn uống với bạn bè", thầy nói.
Ngoài ra, giáo viên còn đối mặt với áp lực lớn từ phụ huynh.
Cô Nguyễn Thị Nhung, 51 tuổi, giáo viên mầm non công lập ở Hà Nam, luôn thấp thỏm khi thấy trẻ bị xước ở tay chân.
Với 30 năm kinh nghiệm, cô cùng một đồng nghiệp được giao phụ trách lớp ba tuổi. Trẻ nhỏ khó tránh khỏi đùa nghịch, va vào nhau hoặc vấp ngã, nhưng phụ huynh ít trao đổi một cách xây dựng, mà thường ngờ vực do cô giáo đánh. Nhiều người dọa đăng lên mạng nếu cô Nhung không nhận lỗi.
"Chúng tôi rất sợ bị lên mạng, vì cả tôi và trường đều bị ảnh hưởng, dù chưa biết đúng sai", cô nói. "Tôi chưa từng nghĩ việc giao tiếp với phụ huynh lại là áp lực lớn nhất dù đã sắp về hưu".
Cô Nguyễn Thị Lê, 39 tuổi, giáo viên tiếng Anh THPT ở Vĩnh Phúc, từng bị phụ huynh trách vì phạt học sinh đứng trong lớp do không tập trung học. Học sinh bất ngờ chạy ra cổng, nói cô không cho học và "không thiết sống".
"Tôi phải bỏ lớp để đuổi theo và can ngăn", cô Lê kể. "Tội lỗi đổ lên cô giáo mà không nghĩ rằng gốc rễ vẫn từ gia đình".
Cũng như cô Nhung, cô Lê chú ý thận trọng về lời nói, do lo bị chụp ảnh, quay video.
"Nhiều lúc phải nhịn, làm hòa mà không dám phạt dù có quyền làm như vậy", cô chia sẻ.
Theo khảo sát của Đại học Quốc gia TP HCM với khoảng 12.500 giáo viên, hơn 70% thầy cô nói áp lực lớn nhất đến từ phụ huynh, đánh giá điểm trung bình 4,4 trên 5. Trong số này, gần 40,6% từng định chuyển nghề "do phụ huynh bạo lực tinh thần".
Ngoài ra, họ còn căng thẳng với các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh, thời gian hoạt động giảng dạy với điểm từ 2,12 đến 4,2.
Đối mặt với nhiều áp lực, song thu nhập từ nghề chưa khiến giáo viên thấy an tâm. Thầy cô cho biết tiền lương và phụ cấp chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu của gia đình, cũng theo khảo sát nói trên. Nhận định "thu nhập từ nghề không đủ trang trải cuộc sống" có điểm trung bình 3,61 trên 5 - khá cao theo đánh giá của nhóm nghiên cứu.
Thầy Nguyễn Huy Du, 28 tuổi, giáo viên tiểu học ở Vĩnh Phúc, kể khi ra trường 6 năm trước, lương chỉ gần 4 triệu đồng mỗi tháng. Từ 1/7/2024, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng, thu nhập của thầy được gần 7 triệu.
"Lúc tôi lương 4 triệu, các bạn làm ở công ty đã gấp đôi. Đến bây giờ, tôi được 7 triệu thì các bạn cũng lên 15-17 triệu", thầy nói. "Trong khi đó, vật giá không ngừng tăng". Thầy còn tâm tư nếu không may đau ốm hoặc gặp biến cố thì không đủ khả năng lo liệu, vì tiền tiết kiệm có khi chỉ đủ một tháng viện phí.
Luật Giáo dục 2019 mở đầu cho hàng loạt thay đổi. Hàng trăm nghìn giáo viên từ mầm non đến lớp 9 phải nâng chuẩn (từ trung cấp, cao đẳng lên đại học). Giữa dịch Covid-19, chương trình mới được áp dụng cuốn chiếu với nhiều bộ sách giáo khoa khiến không ít người sốc. Nhiều giáo viên đang dạy đơn môn chuyển sang tích hợp, đổi sách, đi tập huấn liên tục.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhận thấy thầy cô ngày càng đối mặt với nhiều áp lực. Một lý do nữa là bối cảnh thời đại. Công nghệ phát triển, Internet vươn tới từng mái nhà đặt ra thách thức với mọi ngành nghề, gồm cả giáo dục. Không chỉ áp lực về chuyên môn, giáo viên còn chịu sức ép về tinh thần.
Áp lực của thầy cô còn do kỳ vọng của xã hội ngày càng cao, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo ông Nam, phụ huynh không chỉ muốn giáo viên dạy giỏi mà còn như nhà tư vấn tâm lý để hỗ trợ học sinh, gia đình. Thầy cô đôi khi phải thành hoạt náo viên, để tiết học hấp dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận dù chương trình mới còn điểm này, điểm khác phải điều chỉnh nhưng nhìn chung là hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực. Điều này quan trọng vì kiến thức là vô hạn, chỉ có năng lực phát triển không ngừng thì mới ứng phó được.
Theo ông, ngoài kỹ năng chuyên môn, sự hy sinh dành cho học trò, thầy cô cần vượt qua giới hạn bản thân, luôn học hỏi để làm mới mình. Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm ngoại ngữ và công cụ số là những điều mỗi nhà giáo cần nắm chắc.
Ông Ngai khuyên giáo viên trước mắt cần thích ứng tốt, phát huy những mặt tích cực của chương trình mới bằng cách tìm tòi phương pháp dạy, học hỏi đồng nghiệp.
"Muốn người khác tôn trọng, ghi nhận thì đầu tiên phải hoàn thành tốt công việc, có trách nhiệm với nghề", ông nói. Cùng đó, giáo viên tự học, tiếp cận với đổi mới của công nghệ, làm gương và truyền cảm hứng cho học sinh về tự học, tự vươn lên.
Với phụ huynh, nhà giáo đặt mình vào vị trí bố mẹ, coi học sinh là con em. Khi đó, sự bực bội, áp lực sẽ phần nào được xoa dịu, đủ bình tĩnh để tìm cách phối hợp với gia đình, cư xử đúng mực.
Về chính sách, ông Trần Thành Nam cho rằng cần có chính sách cải thiện thu nhập nhà giáo để họ yên tâm, như không nên cấm dạy thêm ở nhà mà tìm cách quản lý.
"Khi có thể sống được bằng nghề, thấy tự hào với công việc được xã hội ghi nhận, tôn vinh và tạo ra thu nhập xứng đáng với năng lực, giáo viên được thúc đẩy đào sâu chuyên môn", ông nói.
Cô Nga không biết liệu thời gian tới áp lực có giảm không, chỉ biết động lực tiếp tục gắn bó là những chiếc kẹo, quả quýt, hay những cái ôm của học sinh vào giờ ra chơi. Những giây phút đó giúp cô biết mình đang được làm công việc cao quý, quyết tâm để được học sinh quý mến.
Sau 5 năm, lứa học sinh đầu tiên do cô chủ nhiệm đỗ nhiều trường tốt, nhà trường giao nhiều nhiệm vụ, phụ huynh ngày càng tin tưởng.
"Tôi vẫn áp lực, việc nhiều đến mức có lúc bỏ bê con nhỏ, đồng lương vẫn thấp dù tăng hơn một triệu, nhưng muốn gắn bó với nghề hơn", cô chia sẻ.
Bốn năm dạy Khoa học tự nhiên, thầy Tuấn Anh thấy rằng việc theo học sinh lên từng lớp giúp cảm nhận được tính hệ thống, liên kết của các bài học. Sau những đợt tập huấn, thầy hiện hàng tối đọc tài liệu, bài giảng, xem video của đồng nghiệp. Vì yêu nghề, thầy cho biết sẽ chấp nhận áp lực.
"Nếu cho chọn lại, tôi vẫn theo Sư phạm", thầy nói.
Thanh Hằng - Dương Tâm - Bình Minh
*Tên một số giáo viên được thay đổi