BS.CKI Vũ Văn Nam, khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ánh sáng ban ngày giúp con người tỉnh táo và thực hiện các hoạt động, trong khi bóng đêm hỗ trợ thư giãn, đi vào giấc ngủ. Không phải tất cả các loại ánh sáng buổi tối đều có tác dụng tích cực đến giấc ngủ. Một số loại có thể gây khó ngủ nhưng số khác góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ánh sáng xanh là loại ánh sáng có bước sóng ngắn nhất, được phát ra từ các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại di động, tivi. Ánh sáng xanh này có thể ức chế sản xuất hormone gây buồn ngủ melatonin, khiến bạn khó vào giấc.
Ánh sáng trắng có bước sóng trung bình trong quang phổ ánh sáng nhìn thấy được. Ánh sáng trắng được phát ra từ các bóng đèn thông thường. Nó chiếu trực tiếp vào mắt hoặc quá sáng, tạo cảm giác như ban ngày, gây khó ngủ.
Ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất, được phát ra từ các loại đèn ngủ. Ánh sáng đỏ không ức chế sản xuất melatonin, hỗ trợ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Tiếp xúc với ánh sáng đỏ vào buổi tối có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách giảm thời gian đi vào giấc ngủ.
Ánh sáng vàng và cam là hai loại ánh sáng có bước sóng trung bình, được phát ra từ các đèn ngủ, đèn có màu vàng, cam. Theo bác sĩ Nam, ánh sáng vàng có thể hỗ trợ người ngủ vào giấc nhanh hơn vì nó không ức chế sản xuất melatonin.
Nếu phải sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, bác sĩ Nam khuyên nên dùng kính lọc, kính chống ánh sáng xanh hoặc bật chế độ ban đêm trên thiết bị. Trẻ em và trẻ sơ sinh cần tránh xa các loại ánh sáng xanh và trắng trước khi ngủ. Thay vào đó, phụ huynh có thể lựa chọn màu đèn ngủ ấm hơn.
Ngoài lựa chọn ánh sáng phù hợp, mỗi người nên tạo môi trường yên tĩnh, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian mỗi ngày, ngay cả cuối tuần. Tập thể dục đều đặn nhưng không sát giờ ngủ. Tránh ăn uống quá no và hạn chế caffein vào buổi tối. Đọc sách, nghe nhạc, tắm nước ấm góp phần thư giãn, hỗ trợ giấc ngủ.
Việt An
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |