Xem lại thành tích, lướt qua bảng tỷ số trong vài tháng qua ở các giải đấu được tổ chức khắp nơi trên thế giới, từ Slovakia, Ấn Độ đến Nhật Bản, có lẽ không người hâm mộ nào nghĩ Alexandra Eala sẽ làm nên điều gì đặc biệt tại Miami Mở rộng. Kể cả khi biết Eala từng thắng 5 trận liên tiếp hồi tháng Một ở sự kiện nhỏ trên đất Canberra, Australia, kỳ vọng dành cho cô gái này tại Miami cũng chẳng tăng.
Nhưng giờ đây, ai cũng phải nhắc đến Eala sau khi cô thắng Iga Swiatek, tay vợt nữ hay bậc nhất thế giới trong ba năm qua, với tỉ số 6-2, 7-5 ở tứ kết Miami Mở rộng. Đó là giải đấu thuộc cấp độ WTA 1000, chỉ dưới Grand Slam. Đáng nể hơn, tay vợt 19 tuổi đã thắng ba trận liên tiếp trước những đối thủ từng vô địch Grand Slam.
Eala hiện đứng ở vị trí mà trước đó, chưa một người Philippines nào đặt chân tới. Song, trở thành người tiên phong là cảm giác Eala đã quá quen thuộc. Ở đất nước có hơn 110 triệu dân sinh sống trên 7.641 hòn đảo lớn nhỏ, Eala như viên kim cương đẹp nhất, lấp lánh nhất mà nền quần vợt của quốc gia Đông Nam Á này sản sinh.
Cô là tay vợt Philippines đầu tiên vô địch Les Petits As, giải đấu quốc tế uy tín dành cho lứa tuổi từ 12 đến 14. Eala cũng là người đầu tiên của quốc đảo đăng quang Grand Slam trẻ, ở Mỹ Mở rộng 2022. Ở Á vận hội 2023, Eala giành HC đồng khi thua bán kết trước Zheng Qinwen, người sau đó giành Vàng Olympic 2024. Và sau những chiến tích lẫy lừng tuần này, sao mai 19 tuổi sẽ trở thành tay vợt Philippines đầu tiên lọt top 100 thế giới.
Cột mốc tự hào đó được Eala gây dựng tại Miami, nơi cô bắt đầu câu chuyện cổ tích bằng thắng lợi thuyết phục trước đại diện chủ nhà, Katie Volynets. Sau đó, Eala đánh bại nhà vô địch Pháp Mở rộng 2017, Jelena Ostapenko, trong hai set căng thẳng. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên của một tay vợt Philippines khi chạm trán đồng nghiệp nằm trong top 30 thế giới, kể từ khi bảng thứ bậc WTA ra đời năm 1975.
Tiếp đà thăng hoa, Eala hạ Madison Keys – ĐKVĐ Australia Mở rộng và đang giữ vị trí số năm thế giới – với tỉ số 6-4, 6-2. Bất chấp đối thủ được chơi trên sân nhà Florida và sở hữu cú thuận tay nặng bậc nhất quần vợt nữ, Eala vẫn khắc chế thành công vũ khí của Keys nhờ bộ chân linh hoạt. Cô gái Philippines còn tung ra những đường phản công uy lực, ngắm vào dây và khiến Keys vất vả phòng ngự. Cái cách Eala thi đấu làm nhiều người nghĩ đến Mirra Andreeva, một sao mai tuổi teen khác đang phát triển thần tốc thời gian qua.
"Tôi biết Keys là tay vợt xuất sắc, tôi đã chuẩn bị cho những pha bóng nặng của cô ấy", Eala nói sau khi có lần đầu thắng một tay vợt top năm thế giới. "Tôi cố gắng giữ đôi chân nhanh nhẹn và tận dụng triệt để những cơ hội tạo ra".
Quả thực, Eala đã tận dụng tối đa cơ hội khi được dự giải nhờ suất đặc cách. IMG, tập đoàn thể thao và giải trí toàn cầu, không chỉ đại diện cho tay vợt sinh năm 2005, mà còn đồng sở hữu Miami Mở rộng. Mỗi mùa, IMG thường trao vé tham gia vòng đấu chính cho một số tay vợt tiềm năng mà đơn vị quản lý. Năm nay, Eala nhận được tấm vé "vàng".
Đó đã là sự thừa nhận cho năng lực của Eala, người vốn có tố chất từ trong bụng mẹ. Cô mang trong mình bộ gen thể thao cùng sự hỗ trợ dồi dào về tài chính. Eala thừa hưởng điều đó từ mẹ cô, một cựu VĐV bơi hàng đầu tại Philippines và giờ là giám đốc điều hành của một công ty viễn thông danh tiếng tại quốc gia này. Thực tế có không ít cô, cậu bé là con nhà nòi, nhưng chỉ vài người thực sự nắm được cơ hội để trở thành tay vợt giỏi như Eala hiện tại, đặc biệt ở một nơi mà bóng rổ mới là môn thể thao số một.
"Quá trình trưởng thành chẳng dễ dàng gì", Eala chia sẻ trong một buổi họp báo tại Miami Mở rộng. "Nơi tôi sinh ra và lớn lên chưa có tay vợt nào làm điều tương tự, kiểu dẫn lối. Dĩ nhiên có rất nhiều người để tôi nhìn lên. Tôi hy vọng mình đã góp sức đưa quần vợt Philippines vươn lên tầm cao mới".
Ở một quốc gia mà quần vợt không được ưa chuộng, gia đình vẫn định hướng cho Eala chọn tennis. Tình yêu của Eala cho môn thể thao này được chắp cánh bởi ông nội, một người đam mê quần vợt cuồng nhiệt, đã mang những đứa cháu tới CLB địa phương mà ông hay sinh hoạt. Trong đó, Alexandra và anh trai cô, Miko, là những người tỏ rõ niềm yêu thích nhất.
"Tôi chưa từng hình dung bản thân sẽ làm điều gì khác ngoài chơi quần vợt", Eala thổ lộ. "Càng lớn, tôi thấy mình càng giỏi hơn. Tôi biết tôi có tiềm năng lớn để phát triển ở môn thể thao này".
Eala không phải người duy nhất nhìn ra tiềm năng đó. Sau khi thắng giải Les Petits As lúc 12 tuổi, cô gái đến từ Đông Nam Á nhận được học bổng từ Học viện Rafael Nadal tại Tây Ban Nha. Anh trai Miko cũng giành được một suất, qua đó giúp Eala thích nghi nhanh hơn với việc rời gia đình năm 13 tuổi để sống ở khu ký túc xá phía bên kia bán cầu.
6 năm sau, Eala mang lại niềm tự hào cho học viện quần vợt đã hỗ trợ và bồi dưỡng tài năng của cô. Chính Nadal cũng đã gửi lời chúc mừng đến Eala thông qua mạng xã hội. Ngày tốt nghiệp ở học viện, Eala từng thấy Swiatek, chủ nhân của năm danh hiệu Grand Slam, ngồi trên hàng ghế dành cho khách mời danh dự trong buổi lễ. Giờ đây, Swiatek cũng là một đối thủ như bao người khác, và là một người Eala từng thắng.
Tại Miami, hành trình không tưởng của Eala bị chặn lại bởi Jessica Pegula ở bán kết. Nhưng có những trận thua lại chẳng phải là thất bại. Thành công ngoài mong đợi ở Hard Rock Stadium đã chính thức đánh dấu tên tuổi tay vợt cao 1m75 lên bản đồ tennis thế giới.
Nhưng như khi đăng quang giải trẻ Mỹ Mở rộng, Eala hiểu chặng đường phía trước còn rất dài. Mọi thứ có thể xoay chuyển rất nhanh, cánh cửa vinh quang đã rộng mở, song cũng sẵn sàng đóng sập bất cứ lúc nào. Eala biết bản thân chưa hoàn thiện và không được phép ngủ quên sau một vài màn trình diễn xuất chúng.
"Tôi vẫn là tôi, y như cách đây hai tuần", Eala khẳng định. "Chắc chắn là bước tiến dài với tôi, nhưng tôi không thể cho rằng điều đó đại diện cho thứ gì đấy quá lớn lao hay vững chắc. Tôi cần khiêm nhường, tiếp tục chăm chỉ làm việc. Kết quả tự khắc sẽ đến nếu tôi duy trì cách tiếp cận đó".
Vy Anh