Một bắp ngô luộc trung bình cung cấp khoảng 100-120 calo, 27g carbohydrate, 3g protein cùng các vitamin nhóm B như B1, B5 và folate. Ngoài ra, ngô còn chứa lutein và zeaxanthin - hai chất chống oxy hóa quan trọng bảo vệ thị lực. Tuy nhiên, để ngô thực sự mang lại lợi ích cho sức khỏe, bạn cần lưu ý 3 điều sau:
Xem nhanh:
- 1. Không ăn quá nhanh hoặc nhai không kỹ
- 2. Không ăn ngô để ở nhiệt độ phòng quá 2 tiếng
- 3. Không nên ăn ngô mỗi ngày
- Ai nên hạn chế ăn ngô?
1. Không ăn quá nhanh hoặc nhai không kỹ
Ngô chứa cellulose - một loại chất xơ khó tiêu nằm chủ yếu ở lớp vỏ hạt. Cơ thể con người không có enzyme để phân giải hoàn toàn cellulose, nếu bạn ăn quá nhanh hoặc nhai sơ sài, hệ tiêu hóa sẽ gặp khó khăn, gây đầy hơi, chướng bụng hoặc đau bụng.
Việc bạn nhai kỹ giúp phá vỡ lớp vỏ cứng của hạt ngô, tạo điều kiện cho enzyme trong nước bọt và dạ dày hoạt động hiệu quả, từ đó hấp thu tốt hơn các dưỡng chất có lợi như vitamin nhóm B, lutein và zeaxanthin. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nếu không nhai kỹ thực phẩm giàu chất xơ như ngô, khả năng hấp thụ dinh dưỡng sẽ giảm đáng kể.
Bạn cần nhai kỹ khi ăn ngô. Ảnh minh họa: Ban Mai
2. Không ăn ngô để ở nhiệt độ phòng quá 2 tiếng
Ngô luộc/hấp để ngoài không khí quá lâu là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Sau khoảng 2 giờ để ngô ở nhiệt độ phòng (hoặc 1 giờ nếu trời nóng trên 32 độ C), các vi khuẩn như E. coli, Salmonella hoặc Listeria có thể sinh sôi nhanh chóng, gây ngộ độc thực phẩm.
Các triệu chứng ngộ độc do ăn ngô để lâu gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và sốt. Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thực phẩm chín không nên để ngoài quá 2 giờ. Nếu chưa ăn ngay, bạn cần bảo quản ngô trong hộp kín và cho vào tủ lạnh. Khi ăn lại, nên hâm nóng kỹ, đảm bảo bắp ngô đạt ít nhất 74 độ C để diệt vi khuẩn.
3. Không nên ăn ngô mỗi ngày
Dù là thực phẩm lành mạnh, nhưng nếu ăn ngô hằng ngày với lượng lớn, bạn có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là với người bị tiền tiểu đường, tiểu đường hoặc thừa cân. Ngô giàu tinh bột, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành glucose, làm tăng đường huyết sau bữa ăn.
Một nghiên cứu trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ cho thấy, thường xuyên tiêu thụ rau củ giàu tinh bột như ngô có liên quan đến nguy cơ tăng đường huyết ở người có cơ địa nhạy cảm với insulin. Ngoài ra, nếu ăn ngô quá nhiều mà không kết hợp với các thực phẩm khác, bạn có thể bị thiếu hụt dưỡng chất hoặc dư calo, dẫn đến tăng cân nếu không vận động đủ.
Bởi vậy, mỗi lần bạn chỉ nên ăn 1-2 bắp ngô, không nên ăn mỗi ngày. Kết hợp ngô với thực phẩm giàu đạm (trứng, thịt gà, đậu phụ), rau xanh (cải bó xôi, cải xoăn) và chất béo tốt (dầu ô liu) để đảm bảo dinh dưỡng cân bằng và kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Ai nên hạn chế ăn ngô?
Một số người nên cân nhắc khi ăn ngô, dù là hấp hay luộc. Người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc viêm túi thừa có thể bị đầy hơi, chướng bụng hoặc đau bụng do cellulose trong lớp vỏ ngô gây khó tiêu.
Người bị tiểu đường chưa kiểm soát tốt đường huyết cũng cần thận trọng. Ngô có giá trị dinh dưỡng nhưng chứa tinh bột và đường tự nhiên, có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng. Trong trường hợp này, nên ăn với lượng vừa phải, kết hợp cùng chất đạm và chất xơ để giảm tốc độ hấp thu đường.

Bác sĩ chia sẻ sự thay đổi của cơ thể sau 7 ngày liên tục ăn dứa
MỸ - Bác sĩ Varacallo ghi nhận nhiều lợi ích từ thói quen ăn dứa nhưng cô khuyên chỉ nên ăn 3-4 lần mỗi tuần.
Bác sĩ từng thực hiện 1.000 ca phẫu thuật chia sẻ 3 thực phẩm có thể gây teo não
ẤN ĐỘ - Từ kinh nghiệm của mình, bác sĩ Sunkara chia sẻ 3 loại thực phẩm mọi người nên tránh để bảo vệ chức năng não bộ.