Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,5 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 2,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vượt xa con số 5,4 tỷ USD của cả năm 2024. Đây là lần đầu tiên ngành cà phê đạt được mức này trong nửa đầu năm và hoàn thành sớm mục tiêu cả năm nay.
Giá cà phê nội địa có nhiều biến động. Ngày 30/6, giá nhân xô tại Tây Nguyên giảm còn 94.500 đồng một kg, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, giá từng đạt đỉnh 135.400 đồng một kg vào tháng 3.
Trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 7 giảm 30,9%, còn 3.661 USD một tấn; hợp đồng giao tháng 9 giảm 31,6%, xuống 3.593 USD một tấn. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng hơn một năm qua.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng mạnh nhờ giá trị đơn hàng lớn từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng thành công này đến từ việc đẩy mạnh xuất khẩu các dòng cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và cà phê hòa tan - những phân khúc có giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt, mùa thu hoạch cà phê rơi vào cuối năm (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau), nên lượng hàng nửa đầu năm chủ yếu từ tồn kho và nguồn dự trữ. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đã chủ động lên kế hoạch sản xuất và tiếp cận thị trường từ sớm.
Với đà này, Bộ dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 7,5 tỷ USD vào cuối năm 2025, tăng gần 37% so với năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động.
Thị trường Mỹ vẫn là điểm tựa lớn nhất cho cà phê chế biến sâu của Việt Nam, nhất là dòng cà phê hòa tan và cà phê đặc sản. Tuy nhiên, Bộ cũng cảnh báo một số đối tác tại Mỹ đang tìm nguồn cung thay thế, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong khi đó, khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang nổi lên là thị trường tiêu thụ mạnh cà phê Robusta Việt Nam. Ngoài ra, các thị trường mới như Philippines và Thái Lan cũng được xem là tiềm năng để mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngành cà phê vẫn phải đối mặt nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho rằng giá cà phê giảm sâu gần đây không đến từ yếu tố nội địa, mà chủ yếu do Brazil được mùa lớn và Indonesia tồn kho nhiều. Cùng với đó, USD tăng giá khiến giới đầu cơ quốc tế chốt lời, càng tạo áp lực lên thị trường cà phê toàn cầu.
"Lượng cà phê trong dân không còn nhiều, nhưng giá vẫn lao dốc, khiến người trồng không dám bán ra vì lo lỗ", ông Hải nói. Ông cũng cảnh báo nếu giá tiếp tục giảm, niên vụ tới có thể bị ảnh hưởng do người dân cắt giảm đầu tư, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
Để giữ vững đà tăng trưởng, Bộ Nông nghiệp và môi trường khuyến nghị ngành cà phê cần tiếp tục chuyển dịch sang phân khúc chế biến sâu, mở rộng thị trường xuất khẩu và chủ động ứng phó với các biến động kinh tế toàn cầu.
Thi Hà