BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân hoặc khi giao mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến H1N1, H2N3 gây ra. Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus.
Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến virus dễ xâm nhập vào cơ thể hơn. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường có thói quen mút tay, đưa các đồ vật cầm nắm được vào miệng, chủ yếu sinh hoạt ở nơi đông người. Vì vậy, trẻ dễ bị lây nhiễm mầm bệnh.
Triệu chứng thường gặp gồm: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, đau đầu, đau nhức cơ thể, trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng, kèm nôn ói, tiêu chảy mất nước. Khi không dung nạp đủ chất dinh dưỡng, trẻ không đủ kháng thể chống lại tạo điều kiện cho virus phát triển sinh sôi xâm nhập các cơ quan. Trẻ uống ít nước, tiểu ít có thể gây viêm đường tiết niệu.
Khi bệnh trở nặng, trẻ sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng sung huyết, đỏ toàn bộ, mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc... Virus có thể gây viêm tai giữa, viêm xoang đồng thời xâm nhập các cơ quan khác gây viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim.
Virus cúm có thể bội nhiễm với các loại vi khuẩn khác như phế cầu, tụ cầu vàng, khiến bệnh trở nặng. Trẻ viêm phổi có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp tính, suy đa cơ quan, sốc nhiễm trùng. Vi khuẩn từ phổi có thể đi vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết, tỷ lệ tử vong lên đến 50%.
Biến chứng thần kinh như bệnh não cấp và viêm não từng được ghi nhận ở nhiều trẻ mắc cúm. Trẻ có thể thay đổi ý thức, mất phương hướng và co giật xảy ra trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu sốt và các triệu chứng hô hấp. Ở một số bệnh nhân, các triệu chứng chỉ thoáng qua nhưng một số có thể tiến triển nhanh thành viêm não hoại tử, hôn mê sâu và tử vong.
Bác sĩ Cầm lưu ý trẻ mắc cúm A cần được thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh, không tự ý điều trị. Việc sử dụng kháng sinh trong thời gian mắc cúm có thể làm rối loạn hệ vi sinh vật trong ruột, ảnh hưởng đến hoạt động của bạch cầu ái toan và đại thực bào phế nang có chức năng bảo vệ và loại bỏ mầm bệnh khỏi phổi. Từ đó, trẻ dễ bội nhiễm vi khuẩn, từ đó có thể tăng nguy cơ viêm phổi, viêm toàn thân.
Cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ là tiêm vaccine. Hiện Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine phòng các chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Các mũi tiêm dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Người từ 9 tuổi trở lên, cần một liều cơ bản và nhắc lại hàng năm.
Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ ba tháng giữa thai kỳ trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con trong 6 tháng đầu khi chưa đến tuổi tiêm ngừa cúm.
Trong bối cảnh bệnh cúm A tăng cục bộ tại một số khu vực và điều kiện thời tiết thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, trẻ nên hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên.
Khi mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, cho trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ nuốt, nếu trẻ đang bú sữa mẹ thì mẹ cần ăn đủ chất dinh dưỡng để con hấp thu. Cha mẹ cũng cần tắm sạch cho con bằng nước ấm, tránh kiêng khem quá mức làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
Diệu Thuần