Tại hội thảo nhìn lại văn học sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) hôm 18/4 ở Hà Nội, các nhà văn, nhà nghiên cứu đề cập ba giai đoạn. Từ năm 1975 đến 1985, đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn chiếm vị thế lớn, tái hiện những nỗi đau, mất mát thời chiến. Giai đoạn 1986-1999 chứng kiến công cuộc đổi mới trong văn học, chuyển từ cảm hứng sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đến khám phá xã hội, thân phận con người, vấn đề hậu chiến, gửi gắm góc nhìn mới về người lính. Đội ngũ cây viết tài năng xuất hiện gồm Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều.
Từ năm 2000, các sáng tác hướng đến cách tân nghệ thuật mạnh mẽ. Tác động từ Internet tạo nên sự hình thành, phát triển của văn học mạng. Sự du nhập của thể loại ngôn tình Trung Quốc, dòng văn học giả tưởng cho thấy bức tranh phong phú, thoáng mở của văn học Việt từ đầu thế kỷ 21.
Trong dòng chảy biến đổi của xã hội hiện đại, văn học nước nhà đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, các chương trình hỗ trợ sáng tác chưa nhiều, không đủ động viên những tác phẩm có chiều sâu, giá trị nghệ thuật cao. Trong đó dòng văn học lịch sử vốn đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu, thực hiện của tác giả lại ít nhận được sự tài trợ để khuyến khích họ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói viết tiểu thuyết lịch sử rất khó bởi tác giả không thể xuyên tạc, tô vẽ các nhân vật, sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Tại một cuộc hội thảo hồi tháng 11/2024, tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng nhận định: "Người viết tiểu thuyết lịch sử giống như đi trên dây: Một bên là sự thật lịch sử, một bên là hư cấu sáng tạo. Nếu nghiêng về trần thuật sự thật khách quan, họ không khác gì người chép sử. Hư cấu quá tay, họ dễ bị khép vào giải thiêng, bôi nhọ".
Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng là chủ đề lớn, song chưa có nhiều tác phẩm đạt giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật theo thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Nhà văn Chu Lai từng nhận định chiến tranh là '''siêu đề tài'', người lính là ''siêu nhân vật'' song từ năm 1975 đến nay, các sáng tác trồi sụt. Đội ngũ cây viết thời chống Pháp không còn, thế hệ nhà văn chống Mỹ chỉ lác đác.
Một bộ phận sáng tác hiện còn xa rời thực tiễn, thiên về thương mại, giải trí, thiếu bản lĩnh chính trị - tư tưởng. Văn học chưa theo kịp những biến đổi xã hội, phản ánh các vấn đề đương đại như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kinh tế thị trường. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc chỉ ra: ''Lớp văn sĩ viết từ trước với vốn sống phong phú đang dần lùi vào hậu trường do tuổi tác, sức khỏe. Lực lượng trẻ năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh cái mới nhưng lại thiếu chiều sâu trải nghiệm và định hướng giá trị vững chắc''.
Đặt trong cơ chế thị trường, văn học là sản phẩm đặc thù. Văn học thị trường một mặt tạo ra không gian rộng mở cho sự sáng tạo, mặt khác dễ gây nhiễu loạn với những tác phẩm không đảm bảo chất lượng. Tác giả thường chú trọng vào việc chạy theo thị hiếu nhất thời của một bộ phận độc giả, khai thác những chủ đề kích thích sự tò mò từ họ như bạo lực, tình dục. Yếu tố nghệ thuật, ngôn ngữ ít được đầu tư, xuất bản vội vàng.
Trong thời đại số, những tác phẩm văn học không còn bị giới hạn trong không gian vật lý như trước, giúp công chúng có thể đọc ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, điều này tạo thách thức cho người đọc khi phân biệt giữa thông tin giá trị và những nội dung thiếu chiều sâu, sai lệch.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn đưa giải pháp tăng mức đầu tư ngân sách cho văn học, nghệ thuật, đổi mới phương thức tài trợ theo hướng đặt hàng có trọng điểm, ưu tiên những tác phẩm có giá trị tư tưởng cao, phản ánh các vấn đề của thời đại. ''Một thể chế vững chắc, chính sách phù hợp và linh hoạt sẽ là động lực để văn sĩ có thể sáng tạo mà không bị bó hẹp bởi những ràng buộc không cần thiết'', ông nói. Ngoài ra cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, tác phẩm, ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền. Trong thời đại công nghệ, phải có chiến lược phát triển văn hóa gắn với công nghệ số.
Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định cùng với nghệ thuật, văn học là lĩnh vực giúp ''hàn gắn những vết thương chiến tranh, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc''. Ông đề xuất chú trọng tính đặc thù của lĩnh vực, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng, nhất là người trẻ. Ông cho rằng đội ngũ văn nghệ sĩ phải bám sát thực tiễn hơn, lý giải, cắt nghĩa những vấn đề mới của đời sống, nỗ lực tạo nên các tác phẩm mới thu hút về nội dung, mới mẻ trong hình thức.
Phương Linh