Chiều 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ 60 nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận đóng góp và những thành tựu mà ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua, như công bằng trong tiếp cận giáo dục có tiến bộ, các trường đại học tăng thứ bậc và tiếp tục giữ vị trí cao trong các bảng xếp hạng quốc tế, Việt Nam trong nhóm 10 quốc gia có kết quả thi Olympic quốc tế cao nhất...
Thủ tướng nêu rõ đất nước đang đứng trước kỷ nguyên vươn mình, ngành giáo dục nói chung và các thầy, cô nói riêng cần tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, không ngừng sáng tạo, đổi mới.
"Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy giỏi, người thầy tốt. Học sinh được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu có sự dìu dắt và chỉ bảo của giáo viên có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền dạy hợp lý", ông nói.
Vì vậy, ông cho rằng mỗi giáo viên cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ để có cách tiếp cận mới trong giảng dạy. Thầy cô cũng cần tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của học sinh, khuyến khích sự sáng tạo, tiềm năng và tư duy phản biện của các em.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ để thầy, cô được hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, đặc biệt là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở những vùng khó khăn. Ông nhấn mạnh cần sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần "ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" một cách hợp lý.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh hai vấn đề khác, gồm hoàn thiện thể chế giáo dục - đào tạo phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực để nâng cao cơ sở vật chất, ngang tầm các nước phát triển.
Ông kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sát cánh với ngành giáo dục và thầy cô trong sự nghiệp "trồng người".
Thanh Hằng